Báo Đồng Nai điện tử
En

"Kêu trời" vì xuất toán bảo hiểm

11:05, 23/05/2014

Liên tục trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo các bệnh viện đã đồng loạt phản ứng gay gắt về việc bị xuất toán bảo hiểm y tế (BHYT). Trong năm 2013, đơn vị bị xuất toán nhiều nhất lên đến gần 14 tỷ đồng, đơn vị ít cũng vài trăm triệu đồng.

Liên tục trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo các bệnh viện đã đồng loạt phản ứng gay gắt về việc bị xuất toán bảo hiểm y tế (BHYT). Trong năm 2013, đơn vị bị xuất toán nhiều nhất lên đến gần 14 tỷ đồng, đơn vị ít cũng vài trăm triệu đồng.

Bất cập giữa quy định và thực tế điều trị, thiếu thống nhất về từ ngữ chuyên môn, quy định còn chồng chéo, thiếu tính công khai, minh bạch…là những nguyên nhân khiến hàng loạt bệnh viện bị xuất toán BHYT.

* Không chỉ bệnh viện thiệt thòi

Hai bệnh viện tuyến tỉnh bị xuất toán nhiều nhất là đa khoa Đồng Nai (gần 14 tỷ đồng) và đa khoa Thống Nhất (gần 13 tỷ đồng). Các khoản xuất toán lớn ở 2 bệnh viện này là: chụp CT.Scanner, MRI, thuốc điều trị viêm gan, thuốc điều trị suy thận và nhiều loại vật tư tiêu hao đã sử dụng cho bệnh nhân từ năm 2012, sang năm 2013 lại bị yêu cầu thu hồi.

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất bị xuất toán 5 tỷ đồng từ tiền chênh lệch thuốc trong điều trị bệnh suy thận mãn cho bệnh nhân suy thận.
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất bị xuất toán 5 tỷ đồng từ tiền chênh lệch thuốc trong điều trị bệnh suy thận mãn cho bệnh nhân suy thận.

Đối với thuốc điều trị viêm gan Interferon, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai bị xuất toán hơn 800 triệu đồng.  Cùng loại thuốc này, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng bị xuất toán hơn 1,6 tỷ đồng.

Riêng đối với thuốc điều trị suy thận sử dụng cho bệnh nhân bị suy thận mãn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng đã rất bất bình về việc bị thu hồi đến 20 ngàn đồng/liều khi bị cho là chênh lệch với giá phổ biến. Ông nói: “Giá thuốc là do Sở Y tế đấu thầu tập trung đưa ra, bệnh viện không can thiệp vào giá mà chỉ lên kế hoạch số lượng và đặt hàng cho những nhà thầu trong danh sách trúng thầu. Cuối năm 2013 khi quyết toán, bệnh viện bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thu hồi khoản tiền chênh lệch giá thuốc. Trong khi đó, bệnh viện hiện điều trị nội và ngoại trú cho hơn 400 bệnh nhân suy thận. Quý I-2014, số tiền bệnh viện bị xuất toán do chênh lệch giá thuốc gần 30 triệu đồng. Nếu cứ xuất toán kiểu này, chúng tôi không dùng nữa thì đối tượng bị thiệt thòi chính là bệnh nhân”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Bệnh viện đã phải lập ra một tổ pháp lý chuyên nghiên cứu và làm việc với BHXH, nhưng vẫn bị xuất toán. Có những loại thuốc, kỹ thuật, vật tư y tế tiêu hao bệnh viện không nắm chắc có được thanh toán BHYT hay không, hỏi giám định viên của BHXH tại bệnh viện, giám định viên nói được thanh toán, nhưng cuối năm vẫn bị xuất toán”.

Không chỉ bệnh viện tuyến tỉnh, mà nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng bức xúc về việc xuất toán hầu hết chi phí X-quang. Cuối quý I-2014,  BHXH đã xuất toán hết các trường hợp X-quang do cử  nhân và kỹ thuật viên đọc kết quả. Theo BHXH tỉnh, BHYT chỉ thanh toán đối với những trường hợp phim chụp X-quang do bác sĩ chuyên khoa X-quang, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sĩ đa khoa nhưng phải có chứng chỉ hành nghề X-quang. Trong khi đó, hầu như các bệnh viện tuyến huyện không có bác sĩ X-quang và chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh viện phổi Đồng Nai có lượng bệnh nhân chụp X-quang rất lớn. Trong quý I-2014, bệnh viện bị xuất toán 432 triệu đồng từ chụp X-quang. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Trong điều kiện nguồn nhân lực ngành lao 10 năm không tuyển thêm được bác sĩ nào, lâu nay việc đọc kết quả X-quang vẫn phải do cử nhân và kỹ thuật viên đảm nhận. Nay bị xuất toán, bệnh viện cấp tốc gửi bác sĩ đi học X-quang, nhưng trong thời gian bác sĩ đi học không có người ký kết quả hợp pháp, không lẽ bệnh viện đóng cửa phòng X-quang?”.

* Chênh nhau từ quy định đến thực tiễn

Về vấn đề xuất toán, bác sĩ Nguyễn Thị Quy, Trưởng phòng Giám định BHYT (thuộc BHXH tỉnh), cho biết: “Không phải chúng tôi đơn phương xuất toán của các bệnh viện, mà căn cứ vào quy định thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Chẳng hạn, như thuốc Interferon trong điều trị viêm gan, Thông tư  31 của Bộ Y tế quy định BHYT chỉ thanh toán đối với trường hợp thuốc  được dùng theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong khi đó, các bệnh viện này lại sử dụng những phác đồ của những tổ chức y tế khác”. 

Cử nhân xét nghiệm đọc kết quả cũng sẽ bị xuất toán. (Ảnh chụp tại khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Trảng Bom).
Cử nhân xét nghiệm đọc kết quả cũng sẽ bị xuất toán. (Ảnh chụp tại khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Trảng Bom).

Còn xuất toán X-quang, căn cứ Thông tư  41 của Bộ Y tế  quy định người đọc kết quả X-quang phải là bác sĩ chuyên khoa X-quang hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và phải có chứng chỉ hành nghề, bệnh viện để cử nhân hoặc kỹ thuật viên đọc không đúng quy định, BHYT không thể thanh toán được. “Các bệnh viện nên yêu cầu Sở Y tế phản ánh về Bộ Y tế để điều chỉnh, bổ sung hành lang pháp lý. BHXH tỉnh không thể làm khác” - bác sĩ Quy cho biết thêm.

Mới đây, tại buổi họp lấy ý kiến đóng góp cho Luật BHYT, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh thừa nhận: Văn bản của ngành BHXH vẫn còn một số bất cập, vướng mắc mà cần sự phối hợp, thống nhất với ngành y tế, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và phân bổ quỹ BHYT phù hợp để các bệnh viện duy trì hoạt động BHYT.

Ngoài X-quang, sắp tới BHXH sẽ tiếp tục rà soát việc chỉ định và thực hiện xét nghiệm, điện tim và phục hồi chức năng theo đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế. Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trảng Bom, lo lắng: “Mới chỉ bị xuất toán X-quang thôi, các bệnh viện đã dở sống dở chết. Nếu làm cả xét  nghiệm, điện tâm đồ và phục hồi chức năng… các bệnh viện tìm đâu ra bác sĩ các chuyên khoa này để ký cho hợp thủ tục. Làm mà bị xuất toán thì chắc chúng tôi phải đẩy bệnh nhân lên tuyến trên thôi”.

Bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Dầu Giây, cho rằng  đây là một bất cập lớn bởi các bệnh viện đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Đòi hỏi bệnh viện phải có bác sĩ chuyên khoa X-quang, xét nghiệm, điện tim và phải có chứng chỉ hành nghề là không sát thực tế.

Bác sĩ Lê Văn Kỉnh, Trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế): “Những vướng mắc theo Thông tư 31, Sở đã có công văn gửi Bộ Y tế nhưng chưa thấy phản hồi. Còn những vướng mắc từ Thông tư 41, đến nay Bộ Y tế cũng chưa quy định cơ quan nào được cấp chứng chỉ hành nghề cho những bác sĩ này”.

Trước tình trạng bị xuất toán hàng loạt, nhiều bệnh viện đang phải đối phó bằng việc cử ngay bác sĩ đi học X-quang, xét nghiệm, điện tâm đồ... chỉ để ký vào kết quả cho hợp thủ tục. Còn thực tế, cử nhân, kỹ thuật viên vẫn đọc kết quả. Sự bất cập đó cần được Sở Y tế và BHXH cùng kiến nghị lên Bộ Y tế và BHXH Việt Nam điều chỉnh sao cho quyền lợi của cả bệnh nhân lẫn bệnh viện được bảo đảm, tránh tình trạng đối phó chỉ  để  “điền vào chỗ trống cho… thích hợp”.

Phương Uyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích