Báo Đồng Nai điện tử
En

Đôn đáo phòng dịch cúm

08:02, 20/02/2014

Trước thực trạng dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số tỉnh trong nước, các hộ chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều hộ đã quyết định hạn chế xuất - nhập các nguyên vật liệu liên quan đến gia cầm để đảm bảo an toàn.

Trước thực trạng dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số tỉnh trong nước, các hộ chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều hộ đã quyết định hạn chế xuất - nhập các nguyên vật liệu liên quan đến gia cầm để đảm bảo an toàn.

Anh Trần Quốc Nam đang cho thức ăn tại trại gà đẻ trứng ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Anh Trần Quốc Nam đang cho thức ăn tại trại gà đẻ trứng ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.

Đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 14 tỉnh với hàng chục ổ dịch và đang có xu hướng tăng. Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 12 triệu con gà, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 85,8% với 327 trang trại. Tiếp đó là đàn chim cút với tổng đàn trên 4 triệu con và đàn vịt trên 230 ngàn con. Đây là con số không nhỏ nên công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm luôn được đề cao, nhất là trong giai đoạn dịch cúm đang có xu hướng bùng phát và lây lan.

* Lo dịch bệnh bùng phát

Trang trại gà đẻ trứng của bà Đặng Thị Chà ở ấp Lộ Đức (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) ngày thường luôn có nhiều người vào ra, nhưng từ khi có thông tin dịch bệnh, chủ trang trại đã quyết định hạn chế “giao tiếp”. Thay vào đó, trang trại luôn đóng kín cửa và mỗi khi có người muốn vào đặt hàng hoặc tham quan mô hình thì phải tuân thủ các quy trình khử trùng nghiêm ngặt. Bà Chà cho biết: “Đối với dịch bệnh thì không thể lơ là, chủ quan. Bình thường đàn gà đang khỏe mạnh, cho trứng tốt nhưng nếu bị nhiễm dịch thì xem như trắng tay. Tổng đàn gà trong trang trại của tôi hiện có khoảng trên 20 ngàn con, nên mỗi khi nghe tin dịch bệnh bùng phát ở đâu đó là tôi lại lo lắng đến mất ăn, mất ngủ”.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết:

“Trước tình hình dịch cúm gia cầm gia tăng, chúng tôi đã gấp rút thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên tuyên truyền đến người dân. Ngoài 2 đợt chích ngừa dịch hàng năm do chúng tôi tổ chức thì người dân cũng tự chích phòng bổ sung, chủ động trước dịch bệnh”.

Không riêng bà Chà, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm khác ở Đồng Nai đều chung nỗi lo trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát và tăng cao. Một nông dân nuôi chim cút ở ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3 lo ngại: “Thông tin dịch cúm gia cầm khởi phát đã khiến giá trứng giảm, sức mua của thị trường cũng yếu hơn trước. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi lo lắng nhất vào lúc này không phải giá mà lo xuất hiện dịch bệnh. Cả đàn 10 ngàn con nhưng chỉ cần 1 con dương tính với dịch cúm là sự nghiệp chăn nuôi sụp đổ”.

* Chủ động phòng, chống dịch

Trước nguy cơ dịch bệnh tăng cao, các hộ chăn nuôi gia cầm đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Anh Đinh Quốc Trung, một hộ chăn nuôi trên 20 ngàn con gà tại huyện Trảng Bom, cho biết thời gian này anh luôn theo dõi các thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm bắt tình hình, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch. Mỗi ngày anh phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại ít nhất 2 lần và thường xuyên dọn dẹp chuồng trại để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, anh cũng hạn chế xuất - nhập các sản phẩm liên quan đến gia cầm để hạn chế nguồn gây bệnh từ ngoài vào.

Người chăn nuôi tại Đồng Nai đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Người chăn nuôi tại Đồng Nai đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiều hộ chăn nuôi cũng chọn giải pháp tăng cường chích ngừa vaccine và liên tục cập nhật thông tin về thuốc phòng, chống dịch. Bà Đặng Thị Chà cho biết: “Mỗi năm, ngành chức năng tổ chức 2 đợt chích vaccine phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh luôn có chiều hướng gia tăng, nên chúng tôi không “ngồi” chờ ngành chức năng mà tự bỏ tiền để chích thuốc phòng dịch. Mỗi khi tái đàn hoặc nghe tin bệnh dịch bùng phát thì điều đầu tiên chúng tôi làm là cập nhật thuốc để chích cho gia cầm”. Cũng theo bà Chà, thời điểm này mỗi ngày bà sử dụng trên 10 lít thuốc khử trùng để đảm bảo độ an toàn cho đàn gà, tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.

Minh Anh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều