Thời điểm này, hàng ngàn công nhân tại Đồng Nai bắt đầu "rục rịch" về quê sum họp cùng gia đình trong nỗi lo chi phí tốn kém.
Thời điểm này, hàng ngàn công nhân tại Đồng Nai bắt đầu “rục rịch” về quê sum họp cùng gia đình trong nỗi lo chi phí tốn kém.
Trong số rất nhiều khoản chi tiêu trên chuyến hành trình về quê đón tết, lo lắng nhất của những công nhân chính là tiền tàu xe đi lại, quà cáp cho người thân và ăn uống những ngày ở lại quê.
* Làm cả năm không đủ xài tết
Cầm trên tay gần 4 triệu đồng đến phòng vé Phú Bình trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa), thế nhưng anh Đỗ Anh Hùng (Công nhân Công ty TNHH sợi Tainan Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2) vẫn phải chạy đi rút thêm tiền mới đủ mua nổi 3 tấm vé xe tết. Chị Lê Thị Hương (vợ anh Hùng) cho biết, ngày bình thường vé xe về Hải Dương chỉ có 950 ngàn đồng (đã bao gồm ăn uống) nhưng nay đã tăng lên tới 1,9 triệu đồng/vé. Do con anh Hùng và chị Hương đã 6 tuổi nên vé xe được tính như một người lớn. Để có được 3 vé xe về Hải Dương vào ngày 26 tháng Chạp, gia đình chị Hương phải bỏ ra 5,7 triệu đồng, đắt hơn cả vé máy bay đi ngày thường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lượt về, ăn tết xong gia đình anh Hùng sẽ lại phải bỏ ra một số tiền tương tự để mua vé xe ngược vào Đồng Nai tiếp tục công việc và học hành của con cái.
Nhiều người lao động trông đợi vào tiền thưởng cuối năm để có thêm tiền về quê dịp tết. Trong ảnh: Người lao động trong một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa. |
Không có nhiều tiền nên phương tiện về quê của đa số công nhân vẫn là xe khách hoặc tàu lửa. Chị Đinh Thị Nhàn (quê Hà Nam, công nhân Công ty Taekwang MTC, KCN Long Bình), cho hay chị đã mua 1 tấm vé xe giường nằm của hãng vận tải Hoàng Long (từ Bến xe Đồng Nai về đến Hà Nam) cách nay 1 tháng với giá gần 1,7 triệu đồng, bằng 2/3 khoản tiền thưởng cuối năm. Để có chuyến về quê đón tết, chị Nhàn đã phải lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, mỗi tháng tiết kiệm chút ít.
Trong khi đó, chị Lê Thị Kim Hậu, công nhân Công ty Vietbo (KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom), cho biết tết này vợ chồng chị sẽ về Nam Định đón tết, tiện tổ chức lễ báo hỷ, ra mắt họ hàng hai bên. Vợ chồng chị đang phải so đo tính toán từng khoản chi một bởi chỉ tính riêng tiền vé xe lượt đi ra, đi vào đã ngốn mất gần 7 triệu đồng, đó là chưa kể tới tiền quà cáp cho người thân, tiền biếu cha mẹ đôi bên tiêu tết, chi phí ăn uống… “Vợ chồng mới cưới nhau, nhờ tiền mừng nên mới có được khoản tiền nho nhỏ để về quê dịp này, chứ với mức thu nhập của công nhân thì chẳng biết bao nhiêu năm mới về được một lần, nhất là khi có con cái” - chị Hậu nói.
* Hỗ trợ công nhân về quê
Ngoài 400 vé xe tết tặng công nhân từ ngân sách Liên đoàn Lao động tỉnh, đến nay các cấp Công đoàn đã vận động thêm được khoảng 600 vé, nâng tổng số vé xe dành tặng công nhân lên 1 ngàn vé. Theo nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở, việc hỗ trợ vé xe tết cho công nhân lao động về quê phụ thuộc phần lớn vào túi tiền của doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện khó khăn về sản xuất, kinh doanh còn kéo dài như hiện nay. Không trông chờ hoàn toàn vào doanh nghiệp, hiện nhiều tổ chức Công đoàn cơ sở đã chủ động đứng ra ký hợp đồng với các hãng vận tải để đưa rước công nhân về quê đón tết. Theo đó, công nhân lao động sẽ được cán bộ Công đoàn liên hệ giúp mua vé xe tết ở mức hợp lý, đồng thời các hãng vận tải phải cam kết đưa đón công nhân an toàn, đúng địa điểm mới được thanh toán tiền.
Đồng chí Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: “Các cấp Công đoàn cần thể hiện vai trò và trách nhiệm với người lao động, bám sát doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp để cùng giải quyết thỏa đáng các chế độ cuối năm, trong đó có tiền lương, thưởng. Những công nhân về quê đón tết phải được đảm bảo an toàn, những công nhân ở lại không trường hợp nào không có tết mà Công đoàn cơ sở lại không biết”. |
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lâm Duy Tín cho biết Đồng Nai hiện có trên 800 ngàn lao động, trong đó có khoảng 400 ngàn công nhân ngoại tỉnh. Hàng năm tuy chưa thống kê được con số cụ thể số công nhân về quê đón tết, nhưng chắc chắn không phải là con số nhỏ. “Trong điều kiện thu nhập hàng tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% đời sống tối thiểu thì chuyện có thêm chi phí về quê những ngày tết lại càng khiến công nhân khó khăn hơn, do đó rất cần sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp bởi việc doanh nghiệp hỗ trợ vé xe tết cho công nhân lao động sẽ giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn nhân lực ngay sau tết” - ông Tín nói.
Công Nghĩa