Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi nguồn sáng tạo

11:01, 15/01/2014

Gần 1 ngàn giải pháp kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm; 21 ngàn bài dự thi tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử Đồng Nai; gần 1.500 giáo viên, cán bộ tuyên giáo, Đoàn thanh niên, phụ nữ cơ sở thi ứng dụng công nghệ thông tin giỏi… đã nói lên sức lan tỏa sâu rộng của 9 hội thi, phong trào do Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) tổ chức trong năm 2013.

Gần 1 ngàn giải pháp kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm; 21 ngàn bài dự thi tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử Đồng Nai; gần 1.500 giáo viên, cán bộ tuyên giáo, Đoàn thanh niên, phụ nữ cơ sở thi ứng dụng công nghệ thông tin giỏi… đã nói lên sức lan tỏa sâu rộng của 9 hội thi, phong trào do Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) tổ chức trong năm 2013.

Giáo viên sử dụng bảng tương tác điện tử vào giảng dạy môn Anh văn tại Trường tiểu học Liên Ngọc (huyện Định Quán).
Giáo viên sử dụng bảng tương tác điện tử vào giảng dạy môn Anh văn tại Trường tiểu học Liên Ngọc (huyện Định Quán).

Nhiều sáng kiến ra đời đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, sản xuất, quản lý… mang tính ứng dụng và hiệu quả cao.

* Làm chủ công nghệ

Hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy năm 2013 thu hút 822 thí sinh tham dự (tăng 40% so với lần đầu tiên). Nhiều giáo viên đã chứng tỏ khả năng am hiểu sâu rộng về công nghệ thông tin và ứng dụng thành thạo vào bài giảng trên lớp. Những tiết học Địa lý của cô Dương Thị Kiều Hoa (Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa), giờ Lịch sử của thầy Nguyễn Trương Định (Trường THCS Lê A, TX.Long Khánh) hay tiết Anh văn của thầy Ngô Viết Toàn (Trường THCS Quang Trung, huyện Tân Phú) luôn sôi nổi. Học sinh hào hứng, hăng say phát biểu ý kiến xây dựng bài bởi các thầy cô đã khéo léo lồng vào bài giảng của mình những video, hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng công nghệ sinh động, hấp dẫn, gần gũi với nội dung bài học chứ không khô cứng, rập khuôn theo cách dạy cũ.

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban tổ chức 9 phong trào, hội thi đánh giá: “Năm 2013 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng người tham dự và chất lượng các sản phẩm tham gia 9 phong trào, hội thi, giải thưởng. Đây thực sự trở thành sân chơi trí tuệ bổ ích, thiết thực đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Rất nhiều giải pháp, sáng kiến đã bám sát tình hình thực tiễn, mang tính sáng tạo cao, ứng dụng trực tiếp vào hoạt động giảng dạy, phát triển sản xuất, kinh tế… góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà”.

Năm 2012, cô Lê Thị Yến Hương và Lê Thị Ngọc Hà (Trường mầm non Sơn Ca, huyện Cẩm Mỹ) đã xuất sắc giành giải nhất hội thi Phát huy sáng kiến trong lao động và học tập, khi biến các vật dụng phế liệu từ gia đình thành đồ chơi, dụng cụ học tập hữu ích cho học trò. Năm nay, 2 cô giáo trẻ này một lần nữa lại giành giải nhất với sáng kiến “Bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi ngôi nhà thời gian và những vòng xoay kỳ diệu”.

Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Qua các hội thi, ngành phát hiện được nhiều cách làm hay của nhiều giáo viên ở từng môn học khác nhau. Điều đó cho thấy khả năng sáng tạo của giáo viên là vô hạn. Đây là cơ hội để đông đảo giáo viên nâng cao kiến thức, học hỏi  nhiều kinh nghiệm hay nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT trong thời gian tới.

* Mới, hiệu quả, ứng dụng tốt

Đó là 3 tiêu chí để đánh giá chất lượng các sáng kiến, giải pháp, sản phẩm tham gia nhiều hội thi. Riêng hội thi Sáng tạo kỹ thuật đã thu hút 86 giải pháp ở 13 lĩnh vực, như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải, vật liệu, hóa chất, năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường, y dược, GD-ĐT.

Sáng ngày 17-1, tại Trung tâm tổ chức hội nghị và sự kiện Golden Palace (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa), Ban tổ chức 9 phong trào hội thi năm 2013 trao 396 giải, gồm: 26 giải nhất, 50 giải nhì, 76 giải ba, 226 giải khuyến khích, 4 giải đặc thù, 8 giải vàng, 6 giải bạc.

Trong đó, Chương trình phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập: 58 giải; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật: 47 giải; Hội thi Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai: 82 giải; Hội thi Cán bộ phụ nữ cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin giỏi: 24 giải; Hội thi Cán bộ Đoàn ứng dụng công nghệ thông tin giỏi lần I: 22 giải;  Hội thi Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy: 75 giải; Giải thưởng Sản phẩm truyền thông KH-CN: 49 giải; Hội thi Cán bộ tuyên giáo ứng dụng công nghệ thông tin giỏi và dân vận khéo: 25 giải; Giải thưởng chất lượng: 14 giải.

Đặc biệt, tác giả Đinh Thái Phong (ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) đăng ký tới 25 giải pháp đều được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày, như: Máy cắt sắt “6 trong 1”, có thể cắt sắt, nhôm, gỗ, gạch men, bê tông, inox; sản xuất túi xốp giấy thân thiện môi trường, an toàn và rẻ bằng vỏ bao xi măng phế liệu; máy ấp trứng năng lượng mặt trời tự động “6 trong 1”; dây phơi quần áo không cần ra nắng, không dúm, không bay quần áo…

Tác giả Phạm Văn Hướng (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) dù đã 69 tuổi nhưng vẫn đam mê và dành cả đời để nghiên cứu, đưa ra giải pháp “Kỹ thuật nuôi cấy phù điêu ngọc trai”. Ngoài ra, còn có rất nhiều giải pháp liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học, trong đó giải pháp bước đầu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và kỹ thuật công nghệ sinh học để tạo giống mới đối với cây hoắc hương của 2 tác giả Ngô Quang Hưởng và Trịnh Thị Thanh Huyền (Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học - Sở KH-CN) cũng đã được thử nghiệm và cho những kết quả ban đầu.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều