Với hơn 13 ngàn người nhiễm, trong đó có gần 3,5 ngàn trẻ em bị khuyết tật các thể, Đồng Nai là một trong 3 điểm nóng của cả nước về tình trạng nhiễm chất da cam/dioxin.
Với hơn 13 ngàn người nhiễm, trong đó có gần 3,5 ngàn trẻ em bị khuyết tật các thể, Đồng Nai là một trong 3 điểm nóng của cả nước về tình trạng nhiễm chất da cam/dioxin.
Trẻ nhiễm chất độc da cam ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa) được tặng xe lăn. |
Ngoài chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc y tế của nhà nước, bằng nhiều nỗ lực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động được nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chung tay chăm sóc nạn nhân. Năm 2013, các cấp Hội đã vận động được hơn 6 tỷ đồng và hỗ trợ, chăm sóc cho hơn 3 ngàn nạn nhân. Trong đó, xây mới 13 căn nhà nhân ái, sửa chữa 9 căn nhà khác bị hư hỏng với tổng số tiền lên đến 667,8 triệu đồng; hỗ trợ hơn 83 triệu đồng cho gia đình nạn nhân sản xuất tăng thu nhập, ổn định đời sống; tặng 286 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho nạn nhân, con và anh chị em ruột của nạn nhân với số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên cũng đã hỗ trợ hàng tháng cho gần 230 nạn nhân, trợ cấp đột xuất cho nạn nhân khó khăn, ốm đau, qua đời cũng với gần 500 triệu đồng.
Là một trong số hơn 3 ngàn nạn nhân và gia đình nạn nhân được nhận hỗ trợ từ Hội, bà Nguyễn Thị Lệ (40 tuổi ở ấp 5, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), cho biết gia đình bà được Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế ANCO hỗ trợ heo giống và thức ăn gia súc từ 3 năm nay. Với cặp heo giống ban đầu, gia đình phát triển đàn heo lên gần chục con và đến nay đã nhân đàn được nhiều lứa heo khác. Vừa bán vừa nuôi gây đàn, gia đình giờ đã có cuộc sống rất ổn định.
Công tác chăm sóc hỗ trợ nạn nhân, tuy đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, song do nạn nhân da cam thường phải “gánh” gánh nặng bệnh tật, vì thế hoạt động chăm sóc sức khỏe là rất cấp thiết. Hiện Hội tiếp tục phối hợp với Sở Y tế thực hiện đề án phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam tại cộng đồng, đã có hàng trăm lượt nạn nhân được phẫu thuật, phục hồi chức năng và chăm sóc tại gia đình.
Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trong nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa các nạn nhân có khả năng tiếp thu tốt, đủ sức khỏe đi đào tạo nghề, tạo việc làm. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác, tạo cơ hội việc làm cho nạn nhân da cam. Tuy nhiên, do nạn nhân da cam thường bị các khuyết tật nặng, sức khỏe yếu kém nên nhiều người không đáp ứng được công việc. Vì thế, hoạt động dạy nghề cho nạn nhân còn khả năng lao động vẫn chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều.
Phương Liễu