Những ngày qua, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn khiến cho nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát.
Những ngày qua, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn khiến cho nhiều loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát.
Các bệnh thường gặp ở thời điểm giao mùa là tiêu chảy, cảm cúm, sốt và nhất là bệnh viêm đường hô hấp, viêm amidan.
* Cả nhà cùng… “sụt sịt”
Chở vợ đến khám bệnh tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Hoa ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), anh Trần Văn Thịnh (34 tuổi, ở cùng phường) cho biết: “Nhà có 4 người thì đều bị cảm cúm. Hai đứa con nhỏ cứ về chiều lại sốt, ho, đêm lạnh lại càng ho nhiều hơn, dù vợ tôi đã giữ ấm cho các cháu. Có đêm cả nhà không ngủ được vì cả 4 người “đồng thanh” ho. Hơn một tháng nay, mọi sinh hoạt, học hành, công việc đều gián đoạn vì bệnh cúm cứ kéo dài lây nhây. Tôi và vợ phải xin nghỉ phép, vì vào cơ quan ho suốt gây ảnh hưởng đến người khác.
Viêm phổi vẫn là bệnh mắc nhiều nhất ở trẻ em khi thời tiết giao mùa. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai những ngày qua, các phòng khám đều chật kín. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 1.200 ca điều trị ngoại trú, tăng khoảng 200 - 300 ca so với thời điểm từ tháng 10-2013 trở về trước. Mỗi ngày tại đây có trên dưới 100 ca phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu liên quan đến hô hấp và bệnh nhiễm, như: viêm phế quản, viêm họng, hen suyễn, viêm amidan, tay chân miệng, sốt xuất huyết và thủy đậu…
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), tình trạng gia tăng các bệnh về đường hô hấp không chỉ đến thời điểm này mới bùng phát, mà ngay từ cuối tháng 10-2013, tỷ lệ ca mắc các bệnh liên quan đến hô hấp ở trẻ nhỏ đã gia tăng. Liên tục trong 3 tháng: 10, 11 và 12-2013, tổng số ca khám điều trị ngoại trú luôn ở mức từ 35 - 37 ngàn ca, trong đó có đến hơn 4 ngàn ca phải điều trị nội trú/tháng. Riêng tháng 12, số ca điều trị nội trú đạt 103% với bệnh hô hấp và 90% với bệnh nhiễm.
Cũng theo nhận định của lãnh đạo bệnh viện này, tình hình dịch bệnh năm nay diễn biến phức tạp hơn những năm trước, nhất là các bệnh nhiễm và bệnh viêm phổi. Riêng tháng 12 và những ngày đầu tháng 1-2014, số ca sốt xuất huyết và tay chân miệng có xu hướng giảm, nhưng số ca bệnh liên quan đến hô hấp lại tăng mạnh, gấp 3 lần so với thời điểm bình thường trong năm. Tuy nhiên không có những ca biến chứng nặng.
Còn tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số người lớn bị các bệnh viêm phổi, cảm cúm phải điều trị bằng kháng sinh cũng tăng lên khoảng 20% (tương đương khoảng 50 ca/ngày). Đặc biệt là người già bị các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, viêm phổi, viêm họng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa vì sức đề kháng kém.
* Tăng cường đề kháng cơ thể
Chị Ngô Thị Ngọc Lan (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) có con 20 tháng tuổi bị viêm phổi đang phải điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Tháng này trở lạnh, tôi đã giữ cháu đủ ấm, không cho nằm quạt và đi vớ suốt ngày nhưng bé vẫn bị viêm phổi do nhiễm lạnh”. Còn chị Mai Thị Ngà ở phường Tân Biên, chăm mẹ (76 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cho hay: “Mẹ tôi bị bệnh tim mạch. Những ngày trở lạnh, bà thấy mệt, khó thở nên phải nhập viện”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, không khí lạnh là một yếu tố tác động không tốt tới đường hô hấp, từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mãn tính, các đợt cấp của bệnh lý này ở người già. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ dẫn đến tình trạng bệnh nhân có sẵn trong người bệnh lý hô hấp mãn tính sẽ dễ bộc phát bệnh. Môi trường ẩm thấp tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây cúm, viêm phổi phát triển mạnh, dễ tấn công người bệnh. |
Bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa ngoại lồng ngực của bệnh viện cho biết: “Ở người già, bệnh tim mạch thường tăng mạnh và diễn biến phức tạp hơn bình thường khi thời tiết chuyển mùa. Các bệnh hay gặp ở người già trong thời tiết lạnh này là: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, động mạch vành, phổi. Việc giữ ấm, nâng cao sức đề kháng cũng như sự vận động cơ thể thường xuyên cho người già có bệnh lý tim mạch là rất cần thiết”.
Các loại bệnh ở người già và trẻ em gia tăng không chỉ gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện, khó khăn cho công tác điều trị và cách ly bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng không ít đến tâm lý người thân. Bác sĩ H’Nuôn Ayun (khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) khuyến cáo: “Để tránh được những bệnh nhạy cảm khi thời tiết chuyển mùa này, phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, uống nước chanh, cam để kháng khuẩn; giữ ấm cho trẻ, kể cả ban ngày; giữ sạch sẽ vệ sinh môi trường và cơ thể trẻ, kể cả người chăm sóc trẻ để đề phòng cách bệnh nhiễm. Trong nhà có người bị bệnh nhiễm hoặc cảm cúm, nên tránh tiếp xúc với trẻ, che miệng khi hắt hơi, không sử dụng chung khăn, ly uống nước”…
Phương Liễu