Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắt chặt quản lý nhóm trẻ gia đình

11:12, 20/12/2013

Ngày 20-12, cháu Nguyễn Ngọc Hải Hà (16 tháng tuổi, ngụ  KP.2, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại khoa hồi sức ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) do bị tụ máu dưới màng cứng bán cầu trái, phù não nặng.

Ngày 20-12, cháu Nguyễn Ngọc Hải Hà (16 tháng tuổi, ngụ  KP.2, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại khoa hồi sức ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) do bị tụ máu dưới màng cứng bán cầu trái, phù não nặng.

[links(left)]Trước đó, từ ngày 16-12, cháu Hà được cha mẹ gửi ở một nhóm trẻ gia đình do bà Nguyễn Thị Thu Vân (43 tuổi, địa chỉ K3/87D, KP.3, phường Bửu Hòa) làm chủ. Ngày 18-12, sau khi phát hiện cháu bị nôn ói, mệt mỏi, bà Vân báo với gia đình và lập tức đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để cấp cứu.

* Chưa được cấp phép hoạt động          

Theo lời bà Vân, 7 giờ 30 ngày 18-12, người nhà đưa cháu Hải Hà đến gửi. Từ đó, cháu chỉ nằm chơi một chỗ trên nệm, không chạy nhảy, nô đùa, va chạm với ai. Một giờ sau, bà Vân thấy cháu nôn ói ra cả đường mũi, bà Vân đã sơ cứu ban đầu và gọi người nhà đến đưa đi bệnh viện. Còn chị Phạm Thị Dung, mẹ cháu Hà cho hay, trước khi gửi con ở đây, cháu được bà nội chăm sóc, buổi sáng cháu đã được ăn ở nhà và tình trạng sức khỏe bình thường.

Một nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép hoạt động ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa.
Một nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép hoạt động ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa.

Được biết, bà Vân từng là nhân viên cấp dưỡng giữ trẻ tư nhân tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Từ tháng 8-2013, bà Vân nhận giữ 2 cháu nhỏ tại nhà. Đến ngày 15-11-2013, bà Vân nhận giữ thêm 3 trẻ, độ tuổi từ 12-20 tháng tuổi với số tiền 800 ngàn - 1,2 triệu đồng/ tháng/cháu và làm tờ trình lên UBND phường Bửu Hòa đề nghị thành lập nhóm trẻ ngoài công lập tại nhà. UBND phường đã thông báo cho bà Vân biết quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và giải thích về tiêu chuẩn, điều kiện mở nhóm trẻ tư nhân tại nhà. Tờ trình của bà Vân lên UBND phường Bửu Hòa cho thấy, điểm giữ trẻ có 1 phòng với diện tích 50m2, 1 bếp ăn, 1 nhà vệ sinh, chưa có đồ chơi ngoài trời, không có bàn ghế. Bảo mẫu chỉ có 1 người là bà Vân với trình độ văn hóa 8/12, có giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng trong thời gian 1 tuần do một công ty tư vấn và đào tạo nghiệp vụ trên địa bàn tỉnh cung cấp.

Trên địa bàn TP. Biên Hòa hiện có 55 trường mầm non (31 trường công lập, 24 trường tư thục). Riêng 2 phường Thống Nhất và Long Bình đến nay vẫn chưa có trường mầm non công lập, dù số trẻ trong độ tuổi mầm non, nhà trẻ rất lớn và 498 nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Trong đó, 448 nhóm đã được cấp phép thành lập nhưng chưa được cấp phép hoạt động; 50 nhóm chưa có phép nhưng vẫn hoạt động. Tổng số trẻ mầm non trên địa bàn là 52 ngàn trẻ.

Bà Trần Thị Ngọc Hương, Phó chủ tịch UBND phường Bửu Hòa cho biết: “Hồ sơ của bà Vân còn thiếu giấy khám sức khỏe nên phường chưa tiến hành kiểm tra để đề nghị cấp phép thành lập. Trong thời gian chờ bà Vân bổ sung hồ sơ thì xảy ra vụ việc đáng tiếc trên. Ngày 19-12, phường đã làm báo cáo nhanh gửi lên UBND, Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa. Chúng tôi vẫn luôn theo sát tình hình sức khỏe của cháu Hải Hà. Phường cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc và rà soát tất cả các nhóm trẻ đang hoạt động không phép tại phường và sẽ yêu cầu ngưng hoạt động ngay”.

* Thắt chặt quản lý

Ngày 18-12, Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa đã làm tờ trình đề nghị UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo cho UBND 30 phường, xã rà soát lại tất cả các nhóm lớp ngoài công lập để có biện pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng trên, không để xảy ra những vụ việc tương tự đối với các nhóm lớp đã được cấp phép thành lập của phường, xã. Đồng thời, có biện pháp đình chỉ hoạt động ngay đối với các nhóm lớp chưa đủ điều kiện thành lập trên địa bàn phường, xã mình.

Cháu Hải Hà khi đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Cháu Hải Hà khi đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Theo quy định, để được cấp phép hoạt động, cơ sở giữ trẻ tư nhân phải đảm bảo tất cả các yêu cầu về cơ sở vật chất, diện tích, ánh sáng, đồ chơi trẻ em… Bảo mẫu phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non từ 3 tháng trở lên; đối với nhà trẻ, trường mầm non tư thục, chủ trường phải có ít nhất là bằng trung cấp sư phạm mầm non. Sau khi các nhóm lớp, nhà trẻ làm hồ sơ báo cáo, UBND phường, xã, thị trấn sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép thành lập. Sau đó báo cáo với Phòng GD-ĐT để tiến hành kiểm tra về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bảo mẫu, giáo viên, chủ trường để cấp phép hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Long Bình, có con 21 tháng tuổi:

“Chúng tôi là công nhân, thu nhập hàng tháng chỉ đủ để gửi con ở các nhóm trẻ gia đình chứ không đủ tiền gửi nhà trẻ tư. Ở phường này, nhà trẻ công lập chưa có, nếu có cũng không nhận trẻ 21 tháng tuổi như con tôi. Mấy ngày nay nghe đài, báo nói về vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ, chúng tôi rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao, chẳng nhẽ lại nghỉ làm để ở nhà trông con thì lấy gì mà sống?”

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, cho biết: “Hiện tại, số trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố đã không còn chỗ gửi trẻ và không nhận số trẻ dưới 3 tuổi, buộc nhiều phụ huynh phải gửi trẻ ở nhà trẻ tư nhân, các nhóm trẻ gia đình. Vì thế, xuất hiện rất nhiều nhóm trẻ gia đình từ 3-5 trẻ, đặc biệt là các phường gần các công ty, khu công nghiệp, như: Long Bình, Long Bình Tân, An Bình gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Thời gian tới, Phòng GD-ĐT sẽ phối hợp, rà soát và quản lý chặt chẽ hoạt động của các nhóm này, kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đề ra”.

* Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa:  Đình chỉ hoạt động nhóm trẻ chưa được cấp phép

Ngay sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh về vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là sự việc đáng tiếc xảy ra với một bé 16 tháng tuổi ở phường Bửu Hòa, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với 30 phường, xã tổng rà soát lại tất cả các điểm giữ trẻ tư nhân, các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn, lập tức đình chỉ hoạt động với những nhóm trẻ nào chưa được cấp phép và kiên quyết xử lý nếu vi phạm. Công an TP.Biên Hòa cũng đang tiến hành điều tra, tìm rõ nguyên nhân dẫn đến  việc cháu bé bị phù não nặng và chờ kết luận của cơ quan chuyên môn.

* Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT: Rà soát lại tất cả các trường mầm non ngoài công lập

Sáng ngày 20-12, Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT có điện thoại yêu cầu Sở GD-ĐT khẩn trương báo cáo tình hình vụ việc cháu Hải Hà. Sở đã yêu cầu phòng GD-ĐT làm tờ trình và liên tục nắm diễn biến tình hình sức khỏe của cháu Hải Hà để báo cáo kịp thời. Chiều ngày 20-12, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi tới tất cả các Phòng GD-ĐT yêu cầu phối hợp với UBND xã, phường kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục độc lập đang hoạt động trên địa bàn. Đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm tư thục độc lập đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp.

An Yên (ghi)

 

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích