Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế trong bệnh viện công: Ai được lợi?

11:12, 22/12/2013

Từ năm 2006, khi Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính, Bộ Y tế kêu gọi huy động vốn, xã hội hóa trang thiết bị y tế.

Từ năm 2006, khi Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính, Bộ Y tế kêu gọi huy động vốn, xã hội hóa trang thiết bị y tế. Nhiều bệnh viện đã nhanh chóng liên doanh, liên kết (LDLK) với các đối tác cung ứng thiết bị y tế để đặt hoặc mượn nhiều loại máy phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

Máy CT 128 lát cắt mới được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.
Máy CT 128 lát cắt mới được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

Theo Sở Y tế, Đồng Nai hiện có 16 bệnh viện LDLK trang thiết bị y tế và mượn máy xét nghiệm tiêu thụ hóa chất với tổng số 67 máy các loại. Trong đó nhiều nhất là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với 21 máy, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: 14 máy, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh: 13 máy và Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán: 12 máy. LDLK chủ yếu dưới hình thức nhà cung ứng thiết bị y tế đặt máy hoặc cho bệnh viện mượn máy để bán hóa chất đi kèm.

* Lệ thuộc giá hóa chất độc quyền

Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, việc LDLK đặt máy cũng như mượn máy đã giúp bệnh viện triển khai và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, như:  phẫu thuật nội soi, thận nhân tạo, siêu lọc máu, tán sỏi ngoài cơ thể, tầm soát ung tư và các xét nghiệm chuyên khoa... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người dân trong điều kiện nguồn ngân sách chi cho mua sắm, đầu tư trang thiết bị chỉ chiếm khoảng 30% so với nhu cầu thực tế.

Việc cho đặt máy và mượn máy, theo lãnh đạo những bệnh viện có LDLK, máy của nhà cung ứng nào thì sử dụng hóa chất, vật tư của nhà cung ứng đó. Nếu bệnh viện bỏ ra một khoản tiền lớn để mua máy, cũng vẫn phải mua hóa chất từ nhà cung ứng máy. Trong khi nguồn vốn có hạn, giải pháp cho đặt máy hoặc mượn máy là cần thiết để bệnh viện có máy sử dụng. Tuy nhiên, lãnh đạo những bệnh viện có LDLK này thừa nhận, họ phải mua hóa chất cũng như vật tư độc quyền của các công ty cung ứng máy với giá cao hơn những nơi chỉ mua hóa chất thuần túy, bởi nhà cung ứng đã tính trong giá hóa chất cả phí khấu hao máy cũng như giá cho thuê máy. 

* Lạm dụng chỉ định…

Bà Phan Thị Tươi, 55 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu ở phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa), băn khoăn: “Trước đây, khi các bệnh viện ở Đồng Nai chưa có máy chụp cộng hưởng từ (MRI), tôi phải đi TP.Hồ Chí Minh để chụp, vừa xa xôi vừa đắt đỏ. Nhưng giờ nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh có máy rồi, rất thuận tiện cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc dễ dàng trong chỉ định chụp MRI không biết có phải lạm dụng không, nhưng trong 6 tháng tôi được chỉ định chụp MRI 2 lần trong những lần đi khám bệnh”.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua kiểm tra tại 7 địa phương (trong đó có Đồng Nai) về áp giá viện phí mới cho thấy có hiện tượng chi phí xét nghiệm tăng cao bất thường. Nhiều nơi chi phí xét nghiệm trước đó chỉ chiếm 20-25% tổng chi phí khám chữa bệnh, nay tăng lên 30-40%. Riêng tại Đồng Nai, nhiều cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật MRI chụp khá phổ biến, thậm chí bệnh nhân đau bụng, đau họng cũng được chỉ định chụp MRI(!?)

Tình trạng này cũng được ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và  công trình y tế (Bộ Y tế), khẳng định: “Qua kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành cho thấy không ít bệnh viện công đã “lấy công làm tư” khi cơ sở vật chất, nhân sự đều do Nhà nước đầu tư, đào tạo, trả lương nhưng lại phục vụ cho LDLK. Chưa kể tình trạng để tăng nguồn thu cho bệnh viện lẫn đối tác nhằm sớm hoàn vốn và có lãi, nhiều bệnh viện đã cho bác sĩ lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chiếu - chụp…”.

Tại buổi làm việc với Sở Y tế Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, cho rằng để hạn chế tiêu cực của việc LDLK trang thiết bị y tế tại bệnh viện công, trước hết địa phương cần phải tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ tư ở các địa điểm riêng, kiểm soát chặt chẽ tài sản, thời gian làm việc. Hiện nay, các quy định liên quan cũng đang cần điều chỉnh, bổ sung để quản lý hoạt động này cũng như hạn chế những tiêu cực của nó, nhưng trách nhiệm chính thuộc về các bệnh viện. Nếu việc LDLK đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch sẽ hạn chế rất nhiều tiêu cực”.

Không phủ nhận những cố gắng của ngành y tế và các bệnh viện khi thực hiện LDLK nhằm chia sẻ một phần gánh nặng với Nhà nước khi nguồn ngân sách hạn chế. Nhiều bệnh viện cũng đã thu giá dịch vụ của thiết bị LDLK hoặc máy mượn ngang với giá viện phí quy định mang  lợi cho người bệnh. Song, việc đưa trang thiết bị tư vào hoạt động ở bệnh viện công vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh, để xác định trách nhiệm và quyền lợi của 3 bên: Nhà nước - bệnh viện - bệnh nhân. Bởi hiện nay, trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa hoặc LDLK vẫn đang được khai thác dựa vào những nguồn lực sẵn có từ bệnh viện công để thu lợi. Ngoài các khoản nghĩa vụ phải nộp, như: 10% khấu hao máy móc, trích nộp thuế 2%, trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp 25%… lợi nhuận phân chia từ nguồn thu LDLK này không hề nhỏ. Có thiết bị đem lại lợi nhuận từ 30-42%/năm. Vậy Nhà nước được gì trong hoạt động này khi phải chia sẻ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và những thuận lợi sẵn có từ bệnh viện công do Nhà nước đầu tư? Và chắc chắn khi việc LDLK đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu thì người bệnh khó được hưởng thụ đúng, đủ quyền lợi của mình khi sử dụng những kỹ thuật từ các thiết bị LDLK. 

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều