Được đem sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người là mong mỏi của không chỉ đội ngũ nhà giáo đang đứng trên bục giảng, mà còn là ước nguyện của cả những nhà giáo đã nghỉ hưu.
Được đem sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người là mong mỏi của không chỉ đội ngũ nhà giáo đang đứng trên bục giảng, mà còn là ước nguyện của cả những nhà giáo đã nghỉ hưu. Nhà giáo ưu tú Phạm Ngọc Cường (huyện Trảng Bom) là một người như thế.
Thầy giáo Phạm Ngọc Cường cùng học sinh đang trao đổi tại một tiết học. |
Qua nhiều năm giữ chức vụ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất cũ, năm học 1992-1993, thầy giáo Phạm Ngọc Cường bắt đầu làm Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh. 2 năm đầu, chất lượng giáo dục nhà trường chưa cao, chỉ có 80% học sinh đậu tốt nghiệp THCS, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là cơ sở vật chất nhà trường còn xập xệ, chưa hoàn thiện.
7 năm sau, Trường THCS Phan Chu Trinh đã là ngôi trường khang trang với 15 phòng học và 32 lớp. Thầy Cường cùng tập thể sư phạm nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, nhà trường tham gia nhiều hơn các cuộc thi, hội giảng. Số lượng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi được nâng lên.
Năm 2010, thầy Cường nghỉ hưu, nhưng tiếng thơm, uy tín suốt 40 năm đã níu giữ thầy lại với nghề giáo. Thầy Cường được mời về làm Phó hiệu trưởng cơ sở 2 Trường THPT Trần Quốc Tuấn (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) kiêm Bí thư chi bộ nhà trường. Ở cương vị mới, ngày ngày thầy vẫn đến trường tận tình chỉ bảo đội ngũ giáo viên trẻ về đạo đức, chuyên môn, đồng thời gần gũi học trò, hiểu và nắm được tâm tư, tình cảm, kiến nghị của học trò để có cách điều chỉnh phù hợp.
Tâm sự về duyên nghề, thầy Cường cho biết: “Tôi mong được đem hết sức lực, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, được nhìn thấy học sinh thành đạt nên người, trở thành những công dân có ích”.
An Yên