Chỉ cách TP.Hồ Chí Minh hơn 30 km, nhưng việc thu hút và "giữ chân" những chuyên gia y tế đầu ngành tại Đồng Nai lại rất khiêm tốn.
Chỉ cách TP.Hồ Chí Minh hơn 30 km, nhưng việc thu hút và “giữ chân” những chuyên gia y tế đầu ngành tại Đồng Nai lại rất khiêm tốn. Hiện số lượng chuyên gia y tế trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, đội ngũ này phần lớn do các bệnh viện tự đưa đi đào tạo, chứ chưa thu hút được từ bên ngoài.
Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp vai cho một bệnh nhân. |
Không có tiêu chí cụ thể để “xếp loại” bác sĩ vào hàng chuyên gia, nhưng theo những thầy thuốc có kinh nghiệm, một bác sĩ được coi là chuyên gia y tế thường được xem xét dưới những yếu tố: hàm lượng chất xám cao; giỏi vượt trội về chuyên môn; có phương pháp sư phạm và có tâm với nghề, với người bệnh.
* Hàng hiếm
Là một thầy thuốc với hơn 32 năm kinh nghiệm, đã từng cứu sống nhiều ca bệnh khó, bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa ngoại tổng quát (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao, bởi ông là một thầy thuốc giỏi chuyên môn, khiêm tốn và giản dị trong đời sống. Không nhận mình là một chuyên gia y tế giỏi, bác sĩ Đễ chia sẻ: “Để trở thành một bác sĩ giỏi, người thầy thuốc phải lao tâm khổ tứ rất nhiều trong nghề nghiệp. Dù đã có biết bao nghiên cứu, nhưng cơ thể con người cho đến nay vẫn là một bí ẩn và không bác sĩ nào dám chắc những gì mình làm được hôm nay đã đủ để làm những việc của ngày mai. Những thành tựu y khoa hôm nay, ngày mai có thể đã lạc hậu. Vì thế, người thầy thuốc luôn phải cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới trong y khoa để bảo đảm bệnh nhân được điều trị bằng những kỹ thuật tối ưu nhất”.
Thuộc hàng “cây đa cây đề” trong ngành y với hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa thận nhân tạo (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) đã âm thầm đóng góp rất lớn trong chuyên môn. Với trí tuệ và tấm lòng nhân ái, ông đã mổ thành công nhiều ca phẫu thuật hiểm nghèo. Hiện ông là chỗ dựa tinh thần cho nhiều bác sĩ trẻ của bệnh viện. Bác sĩ Phạm Quang Huy chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp: “Chuyên gia chỉ là cách gọi. Nhưng thường làm lâu trong nghề, kinh nghiệm sẽ dày lên. Một thầy thuốc giỏi không phải chỉ cần có kinh nghiệm bản thân mà còn cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ đồng nghiệp, có đủ trang thiết bị và môi trường làm việc sáng tạo, nghiêm túc”.
* Gian nan đào tạo chuyên gia
Nhân lực y tế là nguồn lực quan trọng quyết định phạm vi cũng như chất lượng dịch vụ y tế. Việc thiếu hụt các chuyên gia y tế đầu ngành một thời gian dài tại Đồng Nai đã khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân trở nên khó khăn. Phần lớn những ca bệnh nặng đều phải chuyển tuyến trên, bởi các bệnh viện không đủ sức đảm đương.
Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho hay, thiếu bác sĩ tại nhiều bệnh viện là nguyên nhân chính khiến cho việc đào tạo những chuyên gia chuyên khoa sâu gặp khó khăn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc, thu nhập tại các bệnh viện ở Đồng Nai chưa đủ hấp dẫn để “kéo” những chuyên gia y tế đầu ngành “đầu quân” về.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển các chuyên khoa sâu, tại các bệnh viện tuyến tỉnh công tác đào tạo những chuyên gia đầu ngành ở mỗi chuyên khoa đang được tăng cường. Đặc biệt, khi 3 bệnh viện: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất và nhi đồng Đồng Nai chuẩn bị trở thành bệnh viện vệ tinh cho 3 bệnh viện tuyến Trung ương là: Chợ Rẫy, ung bướu và Nhi Đồng II (TP.Hồ Chí Minh) thì việc đẩy nhanh công tác đào tạo chuyên gia y tế giỏi để có thể tiếp nhận cũng như triển khai các kỹ thuật, phương pháp điều trị mới với chất lượng ngang bằng với bệnh viện trung tâm càng trở nên quan trọng.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Hiện bệnh viện quan tâm đến công tác đào tạo các chuyên gia chuyên khoa tim mạch để chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm tim mạch can thiệp - vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng như tách khoa ngoại chung thành 5 khoa ngoại chuyên sâu”. Bác sĩ Dũng cho biết thêm, để những bác sĩ giỏi toàn tâm toàn ý tập trung cho việc học, bệnh viện đã trả toàn bộ chi phí đào tạo, trả đủ lương chính và các khoản thu nhập khác, tiền thưởng, thậm chí cả tiền làm phòng mạch hàng tháng để bác sĩ đó không còn “lăn tăn” lo chuyện làm kinh tế. Ngoài ra, bệnh viện vẫn tiếp tục mời các chuyên gia y tế đầu ngành ở các viện, trường về chuyển giao kỹ thuật mới cho nhiều bác sĩ. Việc này đã hỗ trợ bệnh viện rất nhiều trong quá trình tự đào tạo.
Còn ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đào tạo chuyên gia y tế giỏi lại tập trung vào 2 chuyên khoa sâu về sản và ngoại khoa, đặc biệt là chuẩn bị cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đi vào hoạt động (năm 2015) với tầm vóc bệnh viện khu vực. Giám đốc bệnh viện Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Dù đang “sở hữu” một đội ngũ thầy thuốc có tên tuổi, có học hàm, học vị cao nhiều nhất tỉnh, nhưng bệnh viện vẫn tiếp tục đào tạo những bác sĩ giỏi này lên cao nữa để có thể làm chủ mọi kỹ thuật chuyên môn, tiến tới không còn phải chuyển viện bệnh nhân”.
Phương Liễu