Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên môn yếu, nhân lực thiếu (Bài 1)

11:12, 01/12/2013

Đồng Nai hiện có 5 bệnh viện, 28 phòng khám đa khoa cùng hàng trăm phòng khám chuyên khoa tư nhân đang hoạt động.

Đồng Nai hiện có 5 bệnh viện, 28 phòng khám đa khoa cùng hàng trăm phòng khám chuyên khoa tư nhân đang hoạt động. Với cơ sở khang trang sạch sẽ, cung cách phục vụ nhanh, thái độ đón tiếp chu đáo… hệ thống y tế tư nhân đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đồng thời giúp giảm tải cho hệ thống y tế công. Tuy nhiên, công tác quản lý lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều bất cập.

Phòng khám N.K.S.G. luôn có đông bệnh nhân đến khám do được quảng cáo có bác sĩ ở các Bệnh viện nhi đồng 1, 2 TP.Hồ Chí Minh.
Phòng khám N.K.S.G. luôn có đông bệnh nhân đến khám do được quảng cáo có bác sĩ ở các Bệnh viện nhi đồng 1, 2 TP.Hồ Chí Minh.

Mặc dù có điều kiện về cơ sở vật chất khá tốt, song hầu hết các cơ sở y tế tư nhân tại Đồng Nai, nhất là bệnh viện tư lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ  bác sĩ giỏi để “hút” bệnh nhân.

Do áp lực về nguồn thu, không ít cơ sở dù hạn chế về năng lực nhưng vẫn nhận điều trị những ca bệnh vượt khả năng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh...

Theo Sở Y tế, chỉ từ tháng 5 đến tháng 10-2013, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp tử vong liên quan đến 3 phòng khám đa khoa tư nhân: N.K.S.G, X.Đ. (TP. Biên Hòa) và A.N. (huyện Long Thành).

* “Đánh đu” tính mạng người bệnh

Cô N.T.H., giáo viên Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa), dường như không còn nước mắt để khóc khi mất đứa con gái 11 tuổi. Cháu L.N.K.L. bị sốt cao và 2 lần cô H. đưa con đến phòng khám N.K.S.G. đều được chẩn đoán là sốt siêu vi, bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt. Thấy bệnh của con không thuyên giảm, cô H. đưa con đi Bệnh viện nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) thì bác sĩ cho biết cháu bị sốt xuất huyết độ 3 cùng với các biến chứng tấn công não và gây suy đa phủ tạng. Cô H. nói trong nước mắt: “Nghe nói phòng khám này toàn bác sĩ Bệnh viện nhi đồng 1, 2  của TP. Hồ Chí Minh về nên tôi tin tưởng đưa con đến khám, nhưng không ngờ họ không chẩn đoán ra bệnh để khi đến được bệnh viện tuyến trên thì đã muộn màng…”.

Tại hội nghị trực tuyến về quản lý hành nghề y tế tư nhân mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Chất lượng chuyên môn tại nhiều cơ sở y tế tư nhân còn hạn chế. Đáng lo ngại hơn là tình trạng thực hiện vượt quá chức năng chuyên môn, gây ra những sự cố đáng tiếc”.

Đây không phải là trường hợp tử vong hiếm hoi do các cơ sở y tế tư nhân chẩn đoán sai, dẫn đến biến chứng nặng, chết oan uổng. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết: “Bệnh viện chúng tôi đã không ít lần phải tiếp nhận những ca bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân chuyển đến trong tình trạng nặng. Có những bệnh lý không thuộc chuyên môn và tuyến điều trị, nhưng họ vẫn giữ lại chữa. Đến khi thấy người bệnh nguy kịch mới vội vã đưa đến bệnh viện để tránh trách nhiệm”.

Cụ thể như trường hợp sản phụ Đ.T.S. tử vong do sốc phản vệ ở Bệnh viện đa khoa T.H.P. trước đây, nếu có trang thiết bị và hội đủ những thầy thuốc giỏi chuyên môn, bệnh nhân đã có thể được cứu sống. Hay như cách đây 3 tháng, tại Bệnh viện I.T.Đ.N., trong khi mổ nội soi sỏi mật cho một bệnh nhân, bác sĩ đã sơ suất cắt trúng động mạch gan khiến bệnh nhân suýt tử vong nếu không được ê-kíp bác sĩ giỏi từ một bệnh viện công gần đó đến “tiếp cứu”. Còn ở Bệnh viện Q.T.Đ.N., một phụ sản bị băng huyết sau sinh, thay vì đưa ngay đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hoặc Thống Nhất để được thắt động mạch cầm máu, thì bệnh nhân lại được chuyển đi Bệnh viện Từ Dũ. Chậm trễ, mất cơ hội “thời gian vàng”, bệnh nhân bị cắt bỏ tử cung khi mới chỉ sinh con lần đầu.

* Không có mặt, vẫn… đặt tên

Có một thực trạng hiện nay là nhìn vào đăng ký hoạt động cơ sở y tế tư nhân nào cũng đáp ứng đầy đủ số bác sĩ theo quy định. Song thực chất, đội ngũ bác sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân thường  không ổn định khi bác sĩ trong hồ sơ ghi làm toàn thời gian, nhưng thực tế chỉ làm bán thời gian; quảng cáo nhiều bác sĩ tên tuổi đến từ những bệnh viện lớn, nhưng không có mặt hoặc chỉ có mặt 1-2 buổi/tuần hoặc trong tháng; bác sĩ chuyên khoa nhưng kiêm cả đa khoa; bác sĩ mới ra trường tay nghề còn non kém và nhiều nhất vẫn là đội ngũ bác sĩ về hưu…

Vào BV Q.T Đồng Nai, người bệnh được đón tiếp chu đáo, nhưng lại bị lạm thu viện phí.
Vào BV Q.T Đồng Nai, người bệnh được đón tiếp chu đáo, nhưng lại bị lạm thu viện phí.

Cụ thể như bác sĩ N.Đ. - một chuyên gia sản khoa giỏi của Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) được một bệnh viện tư nhân ở Biên Hòa quảng cáo có mặt tại bệnh viện từ 3-5 ngày/tuần. Nhưng bác sĩ Ng., phụ tá của ông, cho biết: “Ngoài thời gian làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Đ. còn có phòng khám luôn đông khách, do vậy lâu lâu ông mới nhận lời xuống bệnh viện này một lần”.

Hiện chưa có văn bản nào quy định về trách nhiệm quản lý bác sĩ bệnh viện công làm việc tại bệnh viện tư. Nhưng bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng bệnh viện công nên quản lý chặt chẽ về  thời gian  làm việc, lĩnh vực chuyên môn, vấn đề y đức... của bác sĩ để giữ hình ảnh cho bệnh viện.

Do áp lực thu hồi vốn, nhiều bệnh viện tư nhân đã hạn chế thuê mướn bác sĩ và sử dụng “chiêu”  khai thác, tận dụng các bác sĩ trong cơ sở làm ngoài chuyên môn. Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay qua thực tế kiểm tra, do thiếu bác sĩ và không muốn chi nhiều tiền cho ê-kíp phẫu thuật, nên một số bệnh viện chỉ triệu tập một ê-kíp với số lượng bác sĩ tối thiểu cho những ca mổ. Vì thế, khi xảy ra sự cố, ê-kíp bác sĩ ít ỏi này khó có thể xoay xở. Ngay cả việc huy động bác sĩ ở những khoa, phòng khác cũng không đơn giản vì không phải lúc nào họ cũng có mặt.

Yếu kém về chuyên môn là nguyên nhân chính dẫn đến không ít sự việc đáng tiếc xảy ra từ các cơ sở y tế tư nhân thời gian qua. Đây là hệ lụy của tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Hiện có đến 60% số bác sĩ làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân đến từ các cơ sở y tế công lập.

Bác sĩ N.V.Y., chuyên khoa gây mê hồi sức của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từng được 2 bệnh viện tư nhân “hút” về với mức lương đầy hứa hẹn, nhưng cuối cùng vẫn phải quay về với bệnh viện công lập. Ông tâm sự: “Ở bệnh viện tư ít làm phẫu thuật nên tôi không có nhiều việc để làm. Do thiếu bác sĩ, bệnh viện yêu cầu tôi làm những việc ngoài chuyên môn. Làm vượt quá chức năng là điều rất nguy hiểm, không chỉ “đánh đu” tính mạng bệnh nhân mà còn hại đến bản thân nếu có bất trắc xảy ra”.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều