Đồng Nai hiện có trên 4.500 trẻ khuyết tật, trong đó hơn 2.000 trẻ bị khuyết tật nặng, chủ yếu là khiếm thị, câm điếc, tật vận động và thần kinh.
Nguyễn Thị Mỹ Linh tại lớp học. Ảnh: Nga Sơn |
Đồng Nai hiện có trên 4.500 trẻ khuyết tật, trong đó hơn 2.000 trẻ bị khuyết tật nặng, chủ yếu là khiếm thị, câm điếc, tật vận động và thần kinh.
Mặc dù sinh ra không lành lặn và khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa, nhưng nhờ nỗ lực bản thân và sự quan tâm của xã hội, nhiều học sinh khuyết tật dần xóa mặc cảm, vươn lên với mong muốn trở thành người có ích.
* Vượt qua mặc cảm
Ông Hoàng Văn Long, Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết đa số trẻ bị khuyết tật, bệnh hiểm nghèo đều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sự hỗ trợ của cộng đồng có ý nghĩa rất lớn giúp các em vượt qua mặc cảm để hòa nhập. Trong số này, nhiều em đã nỗ lực học tập tốt.
Bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu từ lúc 5 tuổi, sức khỏe của em Nguyễn Thị Kim Nhung (hiện là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Xuân Lộc) bị giảm sút, do vậy việc đến trường của Nhung gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng nhờ nghị lực vượt khó, nhiều năm liền Nhung là học sinh giỏi của trường. “Em mong sớm khỏi bệnh để học tốt, sau này làm cô giáo dạy học” - Kim Nhung bộc bạch
Nguyễn Thị Mỹ Linh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Xuân Tâm II (huyện Xuân Lộc) lại có một hoàn cảnh khá đặc biệt. Cha bỏ đi từ khi mẹ mang thai em được 3 tháng, năm Linh hơn 1 tuổi, vì sơ suất té vào nồi cám heo khiến đôi tay em bị phỏng nặng co rút lại không thể cầm bút viết được. “Nhìn các bạn có bàn tay đầy đủ 5 ngón, cầm bút viết một cách dễ dàng, em cảm thấy ghen tỵ” - Mỹ Linh bộc bạch. Nhờ tình yêu thương của thầy cô và bạn bè, Linh đã vượt lên số phận, hòa nhập với bạn bè và luôn nỗ lực trong học tập.
Còn Đặng Thị Phương Trâm, học sinh lớp 8 Trường THCS Phú Xuân (huyện Tân Phú) khi sinh ra đã mang trên mình khối u mắt ác tính. Để giữ con mắt còn lại, Trâm đã cố gắng vượt qua sợ hãi để các bác sĩ cắt bỏ mắt bên phải. Chị Mai Thị Ánh Hoa, mẹ Phương Trâm, cho biết: “Sau phẫu thuật, sức khỏe Trâm yếu đi và gia đình đã tính đến chuyện cho con nghỉ học. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng, nếu để con ở nhà sẽ không thể nào vượt qua được mặc cảm nên đã động viên con tiếp tục đến trường”.
* Cùng tiếp sức cho học sinh khuyết tật
Kim Nhung, Phương Trâm và Mỹ Linh là 3 trong số 125 học sinh khuyết tật trong tỉnh sẽ được nhận học bổng “Tiếp sức học sinh khuyết tật vượt khó đến trường” (trị giá 3 triệu đồng/suất) do Hội Khuyến học tỉnh và Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức vào hôm nay 31-10. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa mà các đơn vị, cá nhân đã và đang thực hiện cho trẻ em khuyết tật.
Sáng nay 31-10, tại hội trường Tỉnh ủy, Hội Khuyến học tỉnh và Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp tổ chức trao học bổng “Tiếp sức học sinh khuyết tật vượt khó đến trường” cho 125 học sinh khuyết tật trong tỉnh (trị giá 3 triệu đồng/suất). Tổng kinh phí cho đợt học bổng này là 375 triệu đồng, do Công ty cổ phần Amata Việt Nam, Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” của tỉnh, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tài trợ. |
Thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là chế độ chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT đã có chính sách miễn giảm học phí, miễn học môn thể dục đối với học sinh khuyết tật…Ngành đã huy động được gần 1.600 trẻ khuyết tật ra lớp, giúp các em có điều kiện học tập, giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Long cho hay hàng năm, quỹ đã triển khai nhiều chương trình hoạt động liên quan đến trẻ em khuyết tật, như: “Vì những trái tim trẻ thơ”; tặng xe lăn, xe lắc; hỗ trợ điều trị cho trẻ em bị một số bệnh khác…; khám và phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân bị di chứng sẹo bỏng, bệnh nhân sứt môi - hở hàm ếch; trao học bổng; khám lọc bệnh, cấp thuốc miễn phí; tổ chức trại hè; tặng quà Tết Nguyên đán và Ngày Quốc tế thiếu nhi… “Những hoạt động trên rất có ý nghĩa, nhưng trẻ em khuyết tật vẫn cần lắm sự chung tay góp sức của cộng đồng” - ông Hoàng Văn Long chia sẻ.
Nga Sơn