Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức trong an toàn tiêm chủng

10:10, 09/10/2013

Qua 25 năm thực hiện, chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe, làm giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em…

Qua 25 năm thực hiện, chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe, làm giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em… Tuy nhiên, vấn đề an toàn tiêm chủng vẫn còn nhiều thách thức.

Trẻ được uống vaccine sabin ngừa bại liệt tại Trạm y tế phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa).
Trẻ được uống vaccine sabin ngừa bại liệt tại Trạm y tế phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa).

Hàng triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho trẻ em phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, lao, viêm gan B, tả, thương hàn…

* Nhiều bệnh được loại trừ

Theo đánh giá của Sở Y tế, so với những năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay Đồng Nai đã thanh toán được bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi. 5 năm trở lại đây, Đồng Nai không còn trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… 

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa) có con 6 tháng tuổi, cho biết: “Gần đây, liên tiếp xảy ra các  vụ trẻ tử vong do tai biến sau tiêm, khiến tôi rất lo và không tin tưởng cho con đến trạm y tế tiêm chủng”.

Song, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, việc giữ vững và bảo vệ thành quả này không hề dễ. Bởi nguy cơ bệnh bại liệt vẫn có thể sẽ tái lưu hành; bệnh bạch cầu, ho gà tuy đã được khống chế nhưng vẫn có thể phát triển trở lại nếu nhân viên y tế và người dân lơ là; viêm não Nhật Bản có nguồn gốc lây nhiễm từ động vật có thể tiếp tục phát tán… Trong khi đó, công tác quản lý tiêm chủng lại gặp nhiều khó khăn do là tỉnh đông dân, lượng dân di trú lớn, chỗ ở không ổn định; việc cung cấp vaccine và vật tư y tế tiêm chủng từ chương trình nhiều khi chưa kịp thời; thiếu nguồn nhân lực y tế, thiếu cơ sở vật chất… “Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc chương trình tiêm chủng tuy phủ rộng, nhưng chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt, ý thức người dân về vai trò và kiến thức của tiêm chủng an toàn còn hạn chế” - bác sĩ Hải nhấn mạnh.

* Chưa yên tâm với tiêm chủng an toàn

Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác an toàn tiêm chủng tại một số cơ sở y tế trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, công tác an toàn tiêm chủng ở nhiều nơi chưa được thực hiện nghiêm túc.

Thanh viên đoàn kiểm tra Bộ Y tế (phải) kiểm tra túi thuốc chống sốc sau tiêm tại Phòng khám đa khoa Long Bình (TP.Biên Hòa).
Thanh viên đoàn kiểm tra Bộ Y tế (phải) kiểm tra túi thuốc chống sốc sau tiêm tại Phòng khám đa khoa Long Bình (TP.Biên Hòa).

Cụ thể như ở Phòng khám đa khoa Long Bình (TP.Biên Hòa), dù có  đầy đủ dụng cụ phục vụ công tác tiêm chủng, như: tủ lạnh bảo quản vaccine, túi thuốc chống sốc, phòng tiêm chủng riêng… nhưng nhân viên y tế lại “thiếu” kiến thức về bảo quản vaccine. Nhân viên ở đây sử dụng tủ bảo quản vaccine chung với các hóa chất xét nghiệm, để vaccine trực tiếp xuống nền tủ ướt; không có bảng theo dõi nhiệt độ tủ bảo quản vaccine; thực hành tiêm chủng cũng chưa theo đúng quy trình tư vấn trước và sau tiêm, không có sổ ghi chép tiêm chủng và sổ theo dõi  phản ứng sau tiêm; không có biên bản giao nhận vaccine ghi chi tiết về số lượng, số lô, hạn sử dụng từng loại vaccine…

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác an toàn tiêm chủng vừa qua, Bộ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cơ quan y tế các địa phương thực hiện đúng và đủ 3 yếu tố để thực hiện tiêm chủng thành công và an toàn, bao gồm: chất lượng bảo quản vaccine; kỹ năng tiêm chủng của nhân viên y tế và các bước thực hành quy trình tiêm chủng; nắm rõ được thể trạng trẻ khi tiêm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế  về an toàn tiêm chủng, Sở Y tế đang cùng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã và thành phố tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng, gồm: khoa sản các bệnh viện, các phòng khám đa khoa, trung tâm y tế và trạm y tế trong toàn tỉnh. Tuy mới kiểm tra được khoảng 50% số điểm tiêm chủng, nhưng theo ghi nhận ban đầu, nhiều nơi không đủ điều kiện để thực hiện tiêm chủng.

 Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, những tồn tại phổ biến nhất qua kiểm tra vẫn là điểm tiêm chật hẹp, không đủ điều kiện để thực hành quy trình tiêm chủng một chiều; một số trạm y tế chưa nắm rõ số trẻ và thời gian tổ chức buổi tiêm; việc sắp xếp, bố trí điểm tiêm chủng chưa hợp lý; nhiều cán bộ chưa được tập huấn lại kiến thức an toàn tiêm chủng...

Phương Liễu

 

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều