Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh “ăn theo” thời tiết

10:10, 20/10/2013

Từ đầu tháng 10 đến nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh viêm hô hấp trên, tay chân miệng, sốt xuất huyết… tăng cao. Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải sử dụng các biện pháp can thiệp tích cực và điều trị dài ngày đang gia tăng.

Từ đầu tháng 10 đến nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh viêm hô hấp trên, tay chân miệng, sốt xuất huyết… tăng cao. Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải sử dụng các biện pháp can thiệp tích cực và điều trị dài ngày đang gia tăng.

Một bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một bệnh nhi đang được theo dõi tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết khoa nhiễm được giao chỉ tiêu 80 giường bệnh, nhưng hiện số bệnh nhân nằm điều trị đã lên tới 130-140 người. Dù đã bố trí thêm phòng và giường điều trị, nhưng tình trạng trẻ nằm ghép vẫn xảy ra do số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng. Phần lớn các trẻ mắc bệnh hô hấp trên, viêm phổi và tay chân miệng.

Quá tải bệnh nhân

Tình trạng gia tăng số bệnh nhân ở khoa nhiễm đã và đang làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng như lây chéo bệnh giữa các bệnh nhân với nhau. Bà Nguyễn Thị Năng ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa), chăm cháu nội bệnh sốt xuất huyết độ 2 ở khoa nhiễm. Sau 5 ngày điều trị, cháu bà về nhà được 1 ngày thì phải trở lại bệnh viện, vì bị lây bệnh đau mắt đỏ từ những trẻ cùng phòng.

Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai quá tải, phụ huynh phải kê võng nằm tại hành lang.
Khoa nhiễm BV nhi đồng Đồng Nai quá tải, phụ huynh phải kê võng nằm tại hành lang.

Còn chị Văn Thị Sinh ở phường Long Bình (TP. Biên Hòa), cho biết gia đình đang rất lo lắng vì con gái Văn Thị Tường Vy  bị 3 bệnh tấn công một lúc, gồm: viêm phế quản, viêm tai giữa và sốt xuất huyết độ 4. Chị nói: “Mới đầu thấy cháu sốt, đưa đi phòng khám bên ngoài, bác sĩ nói cháu sốt siêu vi. Nhưng khi thấy cháu đau bụng quằn quại, nôn ói liên tục, tôi đưa đến bệnh viện thì cháu đã bị sốt xuất huyết độ 4”. Hiện bé Tường Vy đã qua cơn nguy kịch, không còn thở máy nhưng vẫn phải nằm theo dõi ở khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện.

Tại các bệnh tuyến dưới, số bệnh nhân điều trị cả ngoại trú lẫn nội trú đều tăng. Ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, số bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết tăng từ 20-30%. Nửa đầu tháng 10 này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.400 lượt người khám, tăng gần 400 lượt so với nửa đầu tháng 8 và 9.

Bác sĩ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho hay nếu như cả tháng 9-2013, số ca tay chân miệng điều trị là 40 ca thì chỉ sang nửa đầu tháng 10, số ca điều trị cũng đã xấp xỉ con số này.

Chủ động phòng bệnh

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cảnh báo tháng 9 và 10 là thời điểm bùng phát của nhiều dịch bệnh. Nguyên nhân là do thời tiết ở giai đoạn giao mùa, mưa nhiều,  tạo điều kiện cho các yếu tố gây bệnh phát triển, như: ruồi, muỗi, nguồn nước ô nhiễm.

Hiện TP.Biên Hòa vẫn là địa bàn có số ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ… nhiều nhất tỉnh. Để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh, từ cuối tháng 8 đến nay, Trung tâm y tế Biên Hòa đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tiến hành tổng vệ sinh môi trường; ra quân vòng 3 chiến dịch diệt lăng quăng tại 12/30 phường, xã; cấp gần 100 ngàn tờ rơi phòng các bệnh trên cho các hộ gia đình; tẩy trùng các trường mầm non trong và ngoài công lập.

Trước tình hình nhiều dịch bệnh gia tăng, ngành y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Ngay từ cuối tháng 8, trung tâm y tế các huyện, thị xã và thành phố đã tổ chức phun xịt hóa chất khử trùng tại 100% trường mầm non, nhà trẻ trên địa bàn để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Các địa phương cũng ra quân vòng 3 chiến dịch diệt lăng quăng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết... Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, ngoài các biện pháp giám sát chuyên môn trên diện rộng của ngành chức năng, người dân cần chủ động phòng bệnh cho mình và gia đình bằng cách diệt lăng quăng nơi sinh sống, ngủ phải nằm màn để tránh bệnh sốt xuất huyết. Người dân nên chú ý giữ vệ sinh môi trường, thân thể sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay đúng cách với xà phòng nhiều lần trong ngày để tránh bệnh tay chân miệng và bệnh đau mắt đỏ; giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh hô hấp, viêm phổi, sốt siêu vi; sử dụng nước sạch, ăn uống vệ sinh để tránh bệnh tiêu chảy…

Phương Uyên

 

 

 

Tin xem nhiều