Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu khoảng 15%, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang lấy ý kiến các bên liên quan để trình Thủ tướng quyết định và sẽ áp dụng từ 1/1/2014.
Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu khoảng 15%, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang lấy ý kiến các bên liên quan để trình Thủ tướng quyết định và sẽ áp dụng từ 1/1/2014.
Lương tối thiểu điều chỉnh lần này áp dụng với khu vực doanh nghiệp. Theo dự thảo, lương tối thiểu lao động vùng 1 là 2,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,45 triệu đồng, vùng 3 là 2,1 triệu đồng và vùng 4 là 1,9 triệu đồng. Trong đó lương vùng 1, 2, 3 tăng 17%, riêng vùng 4 tăng 15% so với năm 2013.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansae Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) |
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng khoảng 30%; trong khi đó, đại diện khối doanh nghiệp đề nghị mức tăng khoảng 10% với lý do kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, mức tăng lương tối thiểu mà Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất là khoảng 15%. “Mức tăng này nhằm hài hòa giữa việc đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động trong tình hình vật giá có chiều hướng biến động như hiện nay, đồng thời cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Trên thực tế, mức lương của người lao động được nhận hiện đều đã cao hơn mức lương tối thiểu, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ tăng khoản chi cho việc tính bảo hiểm. Đại diện một công ty nhận xét: "Quỹ lương doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 10% trong chi phí hoạt động. Tổng các khoản lương, thưởng, phụ cấp, đơn vị trả tầm 4 triệu đồng/tháng/công nhân nên với mức lương tối thiểu 2,75 triệu đồng vẫn nằm trong khả năng của doanh nghiệp và sẽ cơ cấu lại các khoản chi khác".
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã làm thu nhập thực tế của người lao động tăng lên, vì hầu hết các doanh nghiệp hiện đã trả lương cao hơn mức tối thiểu. Thực chất mức lương tối thiểu quy định trong doanh nghiệp hiện nay là sàn tối thiểu khi thuê mướn sử dụng lao động và căn cứ vào đó các doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan chức năng để kiểm soát. |
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: “Theo khảo sát xã hội gần đây, khoảng 70% công nhân lao động, thu nhập không có tích lũy. Do đó, tăng khoảng 15 - 20% mới đáp ứng nhu cầu hiện nay. Thực tế hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, bảng lương chính thường kê khai thấp hơn thực lĩnh. Điều này khiến người lao động thiệt thòi khi đóng bảo hiểm xã hội. Nhận lương nhiều nhưng khai ít hơn đang làm lợi cho doanh nghiệp nhưng về tổng thể không có lợi cho người lao động”.
Trên thực tế, lương tối thiểu của người lao động là lưới sàn để chống đói nghèo, chống bóc lột... “Đó là mặt bằng để tính đến chuẩn khác như trợ cấp xã hội, điểu chỉnh mức lương người về hưu. “Lương tối thiểu là một vấn đề trong chế độ tiền lương, Do đó, quan trọng hơn là quản lý chế độ tiền lương trong doanh nghiệp. Với doanh nghiệp làm ăn tốt, chăm lo cho người lao động thì ngoài lương tối thiểu, họ phân loại lao động kỹ thuật theo phương châm “trình độ chuyên môn cao thì lương cao”. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI, tư nhân chỉ trả nhỉnh hơn mức lương tối thiểu một mức độ nào đó và áp dụng “sàn sàn” với tất cả công nhân lao động”, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết.
“Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vận động theo cơ chế thị trường, coi sức lao động là hàng hóa. Tính toán tiền lương chính là sức lao động hợp lý phù hợp với cơ chế thị trường và không phải Nhà nước lúc nào cũng can thiệp cụ thể. Trong cơ chế thị trường, quan trọng nhất là vai trò công đoàn. Công đoàn phải thực sự có năng lực, đại diện cho quyền lợi của người lao động. Công đoàn căn cứ theo từng địa bàn, loại hình, năng suất và tổ chức sản xuất ở mỗi doanh nghiệp khác nhau để có đề xuất mức lương phù hợp nhất”, ông Đặng Như Lợi chia sẻ.
Theo BaoTintuc