Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ thuật truyền thống đến với học sinh

10:09, 27/09/2013

Mô hình “Đưa giáo dục nghệ thuật dân tộc truyền thống vào nhà trường” (hay còn gọi là sân khấu học đường) đã được Đồng Nai giao cho Đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh thực hiện từ năm 2008.

Mô hình “Đưa giáo dục nghệ thuật dân tộc truyền thống vào nhà trường” (hay còn gọi là sân khấu học đường) đã được Đồng Nai giao cho Đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh thực hiện từ năm 2008.

Tiết mục sân khấu hóa sự tích Bánh chưng bánh dày do học sinh Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) biểu diễn.
Tiết mục sân khấu hóa sự tích Bánh chưng bánh dày do học sinh Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) biểu diễn.

Tuy nhiên đến nay, việc triển khai mới dừng lại ở khâu tổ chức tập huấn cho giáo viên, một số ít học sinh chứ chưa thể mở rộng giảng dạy, hướng dẫn được cho đông đảo học sinh - đối tượng mà mô hình mong muốn hướng đến.

* Kết quả bước đầu

NSND Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh, cho hay việc thực hiện mô hình sân khấu học đường thời gian qua đã tổ chức được các lớp tập huấn về ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của nền nghệ thuật dân tộc, do các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ ưu tú, diễn viên diễn giải. Các lớp tập huấn này được  tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh với sự tham gia của 600 học viên là hiệu trưởng, tổng phụ trách, bí thư Đoàn các trường. Bên cạnh đó, các lớp dạy về làn điệu dân ca, đờn ca tài tử Nam bộ và dàn dựng cho học sinh, giáo viên một số trích đoạn sân khấu tiêu biểu của cải lương Việt Nam cũng đã được thực hiện. “Đã có  trên 30 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống được tổ chức cho các trường học trong tỉnh, như: THPT chuyên Lương Thế Vinh, THCS Hùng Vương... và nhận được sự đón nhận tích cực từ phía giáo viên và học sinh. Điều này cho thấy, nghệ thuật truyền thống vẫn rất được yêu mến” - NSND Giang Mạnh Hà khẳng định.

Em Tống Chí Thành, lớp 8 Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), cho biết được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống do Đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh biểu diễn, em và các bạn rất thích. Khi được thầy cô giáo truyền thụ lại những kiến thức về bộ môn nghệ thuật truyền thống, hầu hết các bạn đều hăng hái tham gia.

Nắm được tâm lý này của học sinh, nên những năm gần đây, nhiều trường, như: THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa), THCS Phước Thiền, tiểu học Vĩnh Thanh 2 (huyện Nhơn Trạch)...  đã chủ động khuyến khích, định hướng cho giáo viên và học sinh của trường thực hiện những chương trình văn nghệ có các tiết mục truyền thống, như: hát dân ca ba miền, đờn ca tài tử, ca trù, hoạt cảnh sân khấu... Tuy nhiên, con số các trường triển khai được mô hình này vẫn còn quá ít ỏi.

* Để đến gần hơn với học sinh

NSND Giang Mạnh Hà đánh giá, bước đầu thực hiện mô hình đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, mô hình này chưa thực sự tạo được sức lan tỏa lớn trong đối tượng học sinh tỉnh nhà. “Quá trình thực hiện chúng tôi nhận thấy rằng, nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên với bộ môn nghệ thuật của dân tộc còn chưa cao. Do đó, rất cần sự phối hợp, nghiên cứu và chung tay thực hiện của nhiều đơn vị liên quan, chứ không thể xem là nhiệm vụ của riêng 2 ngành văn hóa và giáo dục - đào tạo như hiện nay” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Thầy Nguyễn Hữu Lộc, Trường THCS Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ, tâm lý e ngại khi thực hiện các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong học sinh hiện nay là rất lớn. Bởi, nếu luyện tập một tiết mục ca, múa đương đại thì cách thức tập luyện đơn giản, không có sự đòi hỏi về trang phục biểu diễn hay khung cảnh sân khấu. Nhưng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, thời gian luyện tập kéo dài hơn, kinh phí cho trang phục, đạo cụ cũng là khó khăn rất lớn cho nhà trường.

Thầy Trần Như Long, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thì cho rằng, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào nhà trường là cần thiết. Tuy nhiên, vì chương trình học văn hóa của học sinh hiện nay rất nặng, thời gian lại eo hẹp  nên việc giới thiệu môn nghệ thuật truyền thống nên đưa vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.

Bên cạnh đó, theo em Lê Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 9, thành viên đội văn nghệ của Trường THCS Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch): “Hiện chúng em có rất nhiều sự lựa chọn cho việc giải trí hiện đại, hấp dẫn. Vì vậy, đối với nghệ thuật truyền thống, chúng em rất cần những tác phẩm gần gũi với lứa tuổi hơn nữa”.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều