Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả của các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình

08:09, 10/09/2013

Là huyện miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiều số, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn Tân Phú trước đây gặp nhiều khó khăn.

Là huyện miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiều số, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn Tân Phú trước đây gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, bằng việc phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể.

Một tiểu phẩm về bạo hành gia đình của huyện Tân Phú.
Một tiểu phẩm về bạo hành gia đình của huyện Tân Phú.

Tính đến cuối năm 2012, toàn huyện xảy ra 41 vụ BLGĐ, giảm 55 vụ so với năm 2010.

* Biết cư xử đúng mực

Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (xã Núi Tượng) có tiếng là yên bình và đầm ấm. Nhưng chỉ được vài năm thì anh bắt đầu nảy sinh những tật xấu, như: rượu chè, cờ bạc, không chịu làm ăn. Vợ anh là chị Hồ Thị Tám phải một mình đi làm thuê kiếm tiền nuôi 6 đứa con. Không những không phụ giúp vợ, anh Sơn còn  đòi tiền đi chơi, không có tiền là đánh vợ. Do nhận thức về BLGĐ còn hạn chế, nên chị Hồ Thị Tám mặc dù bị bạo hành nhiều lần nhưng vẫn cố chịu đựng. Tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại tới mức công an và các đoàn thể xã phải xuống làm việc và lập hồ sơ đưa anh Sơn đi cải tạo. Thương chồng, chị Hồ Thị Tám lại đứng ra bảo lãnh cho chồng. Khoảng hơn 3 tháng nay, anh Sơn đã có chuyển biến, không còn chơi bời như trước, ngược lại chăm chỉ đi làm, giúp đỡ vợ con.

Trong khi đó, với gia đình anh Đinh Văn Giá và chị Trần Thị Thảo (xã Thanh Sơn) thì bạo lực xảy ra vì vợ không khéo léo. Chị Trần Thị Thảo mỗi khi thấy chồng đi nhậu  hay bực mình, nói nhiều, cáu gắt. Kết quả là không những chồng không nghe và bản thân chị còn bị bạo hành. Trải qua các lần bị bạo hành, chị Thảo rút ra cho mình một bài học: “Phải khéo léo hơn, biết cư xử đúng mực thì vợ chồng sẽ không phải to tiếng với nhau và bản thân tôi cũng không trở thành nạn nhân bị bạo hành”.

* Chú trọng xây dựng các CLB gia đình

Chị Đặng Thị Tố Định, cán bộ phụ trách công tác gia đình (thuộc Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú), cho biết muốn giảm BLGĐ phải bắt nguồn từ chính gia đình. Một gia đình không xảy ra mâu thuẫn, các thành viên hiểu, tôn trọng và biết yêu thương nhau, cùng vun đắp hạnh phúc và phát triển kinh tế gia đình thì sẽ không còn chỗ cho BLGĐ tồn tại. Xuất phát từ nhận thức ấy, Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ huyện đã chú trọng đến hoạt động của các CLB gia đình và coi đó là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống BLGĐ. Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập được 67 CLB gia đình, trong đó có 14 CLB gia đình không có BLGĐ.

Bên cạnh hiệu quả của các CLB gia đình đem lại, huyện Tân Phú còn thành lập 146 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 145 ấp, khu phố, 94 địa chỉ tin cậy làm nơi lánh nạn cho nạn nhân khi xảy ra bạo lực...

Để Luật Phòng, chống BLGĐ đến với từng người dân và thực sự đi vào cuộc sống, huyện Tân Phú đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hệ thống phát thanh, qua hoạt động hòa giải tại cơ sở, xây dựng và lưu diễn các tiểu phẩm về phòng, chốngBLGĐ...

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều