Báo Đồng Nai điện tử
En

5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Mưa dầm thấm đất...

08:09, 10/09/2013

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng bước tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và đặc biệt là người dân.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng bước tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và đặc biệt là người dân.

Các thành viên Câu lạc bộ phòng chống bạo hành gia đình xã Sông Thao  (huyện Trảng Bom) trong một buổi sinh hoạt. Ảnh:  P.Liễu
Các thành viên Câu lạc bộ phòng chống bạo hành gia đình xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: P.Liễu

Tính đến tháng 6-2013, toàn tỉnh có 546 câu lạc bộ (CLB) gia đình với gần 14 ngàn thành viên. Các buổi sinh hoạt CLB gia đình phát triển bền vững ở các địa phương đều có lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc người cao tuổi, nuôi dạy con ngoan, hòa giải mâu thuẫn gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.

* Hiệu quả từ những mô hình...

Bên cạnh đó, các nhóm phòng chống BLGĐ cũng phát triển rất nhanh tại các xã. Năm 2008, từ 5 nhóm thí điểm được Trung ương và tỉnh hỗ trợ, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 939 nhóm. Là một trong 5 nhóm thí điểm với 5 thành viên nòng cốt ban đầu, nhóm phòng chống BLGĐ xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) đã phát triển được gần 40 thành viên, đặc biệt có sự tham gia của cả nam giới. Chị Phạm Thị Quế, phụ trách nhóm, cho biết trước đây, tình trạng BLGĐ trong xã diễn ra khá nhiều. Nhiều ông chồng cứ say xỉn, thua cờ bạc về lại đánh đập vợ con, thậm chí đánh cả cha mẹ già. Không ít vụ, nạn nhân phải đi bệnh viện với thương tích khá nặng.

Theo khảo sát về BLGĐ do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện, nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Số vụ BLGĐ mỗi năm có giảm. Năm 2010, toàn tỉnh có 777 vụ, trong đó có 625 vụ có nạn nhân là phụ nữ; năm 2011, số lượng giảm xuống còn 530 vụ, trong đó có 486 nạn nhân là phụ nữ; năm 2012 còn 463 vụ, phụ nữ là nạn nhân chiếm 415 vụ. Phần lớn các vụ BLGĐ diễn ra ở nông thôn.

“Từ khi CLB được thành lập, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi gia đình bằng việc các thành viên trong nhóm lân la đến các gia đình  để “tỉ tê”. Hoặc nghe thông tin gia đình nào có “nguy cơ” lục đục, anh chị em trong CLB lại đến thăm hỏi, tìm hiểu những mâu thuẫn và giúp họ giải quyết” - chị Quế nói.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Bà Mai Thị Chi Liên, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán, cho biết: “Thời gian qua, huyện rất chú trọng công tác truyền thông dưới nhiều hình thức, như: truyền thông trực tiếp tại các hộ dân theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, truyền thông qua các lớp tập huấn cộng đồng, các buổi sinh hoạt ấp, khu phố để phổ biến về Luật Phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát huy và nhân rộng các nhân tố điển hình gia đình hạnh phúc, lấy cái tốt, cái đẹp để giáo dục, thuyết phục và đẩy lùi cái xấu, cái chưa tốt”.

Đồng Nai là một trong số ít địa phương thành lập được khá nhiều địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Chỉ trong 2 năm, toàn tỉnh đã lập được 893 địa chỉ, sử dụng nhà của chính các trưởng ấp, trưởng khu phố và hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh... nhằm hỗ trợ những nạn nhân bị BLGĐ có chỗ tạm lánh an toàn, cũng như bình ổn về tâm lý.

Phòng, chống BLGĐ để bảo vệ quyền con người, duy trì sự ổn định, bền vững cho gia đình và toàn xã hội, theo đánh giá của bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể  thao và du lịch, cần lắm sự phối hợp của các cấp, các ngành, như: tư pháp, công an, giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, thương binh - xã hội, phụ nữ... Hiện nay, sự phối hợp giữa các ngành tuy đã có, nhưng vẫn chưa thật tốt. “Khó nhất vẫn là nhận thức của mỗi gia đình và mỗi người dân. Vì thế, công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức vẫn là vấn đề khó và cần có thời gian” - bà Phượng cho hay.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều