Những người làm báo chân chính đã và đang lo lắng trước tình trạng ngày càng có nhiều tờ báo, trang mạng khai thác đề tài trẻ em một cách thiếu đạo đức, biến trẻ em từ đối tượng, độc giả của báo chí trở thành những nạn nhân...
Những người làm báo chân chính đã và đang lo lắng trước tình trạng ngày càng có nhiều tờ báo, trang mạng khai thác đề tài trẻ em một cách thiếu đạo đức, biến trẻ em từ đối tượng, độc giả của báo chí trở thành những nạn nhân...
Em Hồ Quang Long, thành viên nhóm phóng viên nhí Báo Khăn quàng đỏ phát biểu tại hội thảo. |
Một hội thảo khoa học với chủ đề “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây đã thu hút nhiều người tham dự và đóng góp ý kiến thảo luận.
* Biến trẻ em thành nạn nhân
Nhiều ý kiến cho hay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các trang mạng không thiếu các nội dung nhạy cảm, như: clip sex, trẻ em phạm pháp, trẻ em bị hiếp dâm… Có tờ báo đăng ảnh che mặt, giấu tên nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng lại đăng rõ tên cha mẹ, địa chỉ nhà riêng, trường học nơi em đó học tập. Nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bức xúc: “Không hiểu nhiều tờ báo vì mục đích bảo vệ hay làm hại trẻ em, khi đăng một vụ hiếp dâm trẻ lại miêu tả một cách rất chi tiết cảnh các em bị xâm hại, như chính phóng viên đó được chứng kiến tận mắt, đọc xong rợn hết cả người”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo bày tỏ sự lo lắng khi những sai sót về mặt nghiệp vụ, đạo đức của không ít người làm báo đang tạo ra những hệ lụy khi viết về trẻ em. Gần đây còn xuất hiện tình trạng nguy hiểm hơn khi có nhiều tờ báo lá cải, các trang mạng điện tử khai thác quá sâu, quá nhiều hình ảnh trẻ em gái ở góc độ giới tính.
* Viết cho trẻ em không dễ
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương về tinh thần. Do đó, đưa tin về trẻ em và quảng bá quyền trẻ em là thách thức không nhỏ đối với truyền thông ngày nay. Báo chí không chỉ đưa tin công bằng, chính xác mà phải tạo điều kiện để các em được tham gia ý kiến, thể hiện chính kiến, mong muốn của chính các em. “Các nhà báo luôn phải tôn trọng quyền của trẻ em khi phỏng vấn hoặc viết về các em” - PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn: Viết cho trẻ em như viết cho chính con em mình đọc Các phóng viên viết về đề tài trẻ em phải luôn tâm niệm, viết cho trẻ em như viết cho chính con em mình đọc, viết trên góc độ người cha, người mẹ. Mỗi sản phẩm báo chí viết về trẻ em phải đảm bảo được tính giáo dục, định hướng, đặc biệt là phải luôn nghĩ đến trách nhiệm, hậu quả sau khi đưa thông tin tới công chúng. |
TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế Học viện Báo chí và tuyên truyền, đưa ra kiến nghị báo chí cần tìm hiểu những khó khăn của trẻ em trong tiếp nhận các tác nhân giáo dục, các hiện tượng tâm lý ở trẻ em đang phát sinh, tạo điều kiện cho trẻ em và các nhóm xã hội khác liên quan cùng tham gia giải quyết các hiện tượng có chiều hướng có hại cho trẻ em. Các nhà báo cần phải thay đổi nhận thức và tiếp cận trẻ em dựa trên nền tảng tôn trọng quyền trẻ em. Các cơ quan báo chí cần coi trọng việc tạo ra ngày càng nhiều hơn nữa các sản phẩm báo chí lành mạnh phục vụ trẻ em. Đặc biệt, đội ngũ phóng viên viết về mảng trẻ em phải nắm rõ các nội dung của Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các văn bản mới ban hành liên quan đến trẻ em…
Là một diễn giả nhỏ tuổi tham dự hội thảo, em Hồ Quang Long đến từ nhóm phóng viên nhí của Báo Khăn quàng đỏ bày tỏ mong muốn, báo chí dành cho trẻ em cần hạn chế dùng từ ngữ chuyên ngành gây khó hiểu, cần nhiều chương trình cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các chương trình trong nước sản xuất. “Để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ, cần hạn chế những bài viết, hình ảnh bạo lực, khêu gợi trên các tờ báo. Đặc biệt, cần sự định hướng của người lớn giúp trẻ em có thể ngăn ngừa các tác hại khi tiếp nhận các sản phẩm báo chí không tốt” - em Hồ Quang Long bày tỏ.
Công Nghĩa