Là đơn vị được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là không còn xảy ra bạo lực gia đình.
Là đơn vị được tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là không còn xảy ra bạo lực gia đình.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Phú Dương Thị Bích Hạnh (bìa phải) đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lắm. Ảnh: N.Sơn |
Thạnh Phú vốn là địa bàn phức tạp lại tập trung đông lao động nhập cư. Chị Dương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ ban đầu khi triển khai mô hình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em bị suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), Hội cũng gặp khó khăn vì nhận thức của chị em có hạn và tư tưởng cam chịu vẫn còn đè nặng, nên chưa nhận được sự đồng thuận cao.
Hội xác định, bạo lực gia đình không phải chỉ đàn ông gây ra mà còn có phụ nữ. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, nhưng thông thường một câu nói, một cách xử sự không tế nhị, thiếu tôn trọng... của người phụ nữ đều là nguyên nhân đưa đến bạo lực gia đình. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em hội viên là rất cần thiết. Xuất phát từ đó, Hội LHPN xã đã tổ chức tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; phối hợp với Đài truyền thanh xã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh... Để tránh lối mòn gây nhàm chán, Hội luôn chú trọng đến công tác đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, không dừng lại ở tuyên truyền mang tính thuyết trình mà được biến hóa thành những câu hỏi, những chủ đề thảo luận, những tiết mục văn nghệ, các hoạt động vui chơi giải trí...
Để thông tin đến được với hầu hết hội viên, Hội đã thành lập 24 tổ “5 không, 3 sạch” với gần 400 thành viên. Ngoài ra, Hội cũng thành lập các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi lánh nạn cho chị em khi có bạo hành xảy ra. Khi đến với các địa chỉ này, chị em có thể giãi bày, chia sẻ và được tư vấn. Qua đó, giúp chị em có thêm kỹ năng làm vợ, làm mẹ, ứng xử trong gia đình... để xây dựng gia đình hạnh phúc hơn. Gia đình anh Phạm Ngọc Long (ấp 5, xã Thạnh Phú) là một trong những gia đình như thế. Anh Long cho biết, là vợ chồng không tránh khỏi xung đột, nhưng mỗi người nhường nhịn một tí, bởi không phải ai lúc nào cũng đúng, bản thân mình cũng có lúc phải nhường nhịn, có như vậy gia đình mới yên ấm, hòa thuận. Còn vợ anh Long, chị Nguyễn Thị Ngọc Lắm cho rằng, bạo lực hay không một phần cũng do người phụ nữ, nếu mình biết im lặng đúng lúc, biết xử sự đúng cách thì mọi chuyện sẽ được hóa giải.
Phát huy kết quả đã đạt được, chị Dương Thị Bích Hạnh khẳng định trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai và phát huy hơn nữa mô hình này để xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, là địa chỉ tin cậy của chị em hội viên.
Nga Sơn