Có được một ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị để học tập luôn là nguyện vọng chính đáng không chỉ của học sinh, giáo viên mà còn của toàn ngành giáo dục và xã hội.
Có được một ngôi trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị để học tập luôn là nguyện vọng chính đáng không chỉ của học sinh, giáo viên mà còn của toàn ngành giáo dục và xã hội.
Thời điểm này, học sinh đã tựu trường, bắt đầu một năm học mới, nhưng ở nhiều địa phương vẫn diễn ra cảnh phải đi học tạm, học nhờ, nhất là ở bậc học mầm non.
* Tân Phú: Nhiều phòng học mượn tạm
Mặc dù nằm trong kế hoạch xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2008, nhưng đến nay 9 công trình trường học của huyện Tân Phú vẫn chưa được khởi công thực hiện vì chưa có nguồn vốn. Đó là các trường: mầm non Nam Cát Tiên (ấp 8), Nam Cát Tiên (ấp 9), Phú An, tiểu học Nguyễn Du, Tà Lài, Nguyễn Huệ, Phú Thanh (giai đoạn 2), THCS Hòa Bình, THCS Đồng Hiệp.
Cô trò Trường tiểu học Nguyễn Thị Định đón năm học mới trong phòng học tạm. |
Nguồn vốn eo hẹp khiến kế hoạch xây dựng trường lớp vẫn nằm trên giấy tờ. Ngay cả 3 trường mầm non thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008-2012 của huyện (Núi Tượng, Phú Sơn, Mạc Đĩnh Chi) cũng đang trong thời gian chờ rót vốn.
So với nhu cầu dạy học, huyện còn thiếu 21 phòng học công lập. Vì thế, các trường phải mượn phòng học của trường phổ thông, trụ sở địa phương, nhà dân để học, hoặc phải học 2 lớp/phòng. Riêng Trường mầm non Phú Sơn, do nền sân quá thấp, mỗi lần mưa to là ngập, trẻ phải nghỉ học vì điều kiện đi lại, học tập khó khăn.
Cẩm Mỹ: Cần thêm 60 phòng học mầm non Năm học 2013-2014, huyện Cẩm Mỹ có 20 trường mầm non với trên 6,5 ngàn trẻ trong độ tuổi ra lớp. Nhiều trường mầm non vẫn phải học phòng tạm, như: Sông Ray, Hoa Sen, Hướng Dương, Xuân Đông, Long Giao. Các trường mầm non phải mượn phòng của các trường tiểu học, trung tâm học tập cộng đồng xã, như: Long Giao, Tuổi Thơ, Lâm San, Xuân Bảo. Để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ, Cẩm Mỹ cần phải có thêm khoảng 60 phòng học mầm non. Số lượng trẻ ngày càng tăng, trong khi đầu tư nguồn vốn để đầu tư xây dựng trường lớp không theo kịp, dẫn đến áp lực phải dồn lớp, sĩ số lớn. Đặc biệt, rất khó để phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp lãnh đạo, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân đầu tư nguồn vốn xây dựng. |
Đối với bậc tiểu học, năm học 2013-2014, huyện Tân Phú có 214 phòng kiên cố (đạt 43,3%), 278 phòng bán kiên cố (đạt 56,3 %) và còn 2 phòng tạm. Một số trường tiểu học vừa khởi công xây dựng kiên cố hóa nên năm học 2013-2014, bậc tiểu học vẫn phải mượn 17 phòng và học ở 3 phòng tạm. Trong đó, khó khăn nhất là Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (thị trấn Tân Phú) và tiểu học Phù Đổng. Trường tiểu học Phù Đổng phải tháo dỡ 12 phòng học để xây dựng lại nên nhà trường phải mượn 13 phòng học để sơ tán 17 lớp học (mượn của nhà dân 6 phòng và mượn 7 phòng của giáo xứ).
Còn ở Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, do mới đổ móng công trình từ đầu tháng 8-2013 nên 8 phòng học cũ phải tháo dỡ. “Nhà trường phải mượn 5 phòng của Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Việt Hoa và tận dụng khuôn viên trường để dựng 3 phòng học tạm cho 240/653 học sinh toàn trường. Do không có cống thoát nước nên trời mưa, toàn bộ khu vực cổng trường đều bị ngập” - ông Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
* Nhơn Trạch: Thiếu trường mầm non công lập
Đó đang là vấn đề nan giải của ngành giáo dục huyện Nhơn Trạch, tập trung vào bậc học mầm non. Toàn huyện mới có 7 trường mầm non công lập ở các xã: Phú Hội, Long Tân, Phú Hữu, Phước Khánh, Long Thọ, Hiệp Phước (2 trường). Còn lại các xã: Phước Thiền, Phú Thạnh, Đại Phước, Vĩnh Thanh, Phước An, Phú Đông mới chỉ có trường mẫu giáo học 1 buổi và chỉ nhận trẻ từ 3 - 5 tuổi.
Ở huyện Định Quán, dù không còn tình trạng học ca 3 nhưng số phòng học kiên cố mới chỉ đạt 50% (584/1.167 phòng). Bậc học mầm non mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng số phòng học kiên cố vẫn ở mức khiêm tốn (82/278 phòng, đạt 29,5 %). Đây cũng là bậc học duy nhất trong toàn huyện phải học tạm trong 8 phòng và mượn 19 phòng. |
Năm học 2013-2014, tổng số trẻ trong độ tuổi ra lớp toàn huyện là trên 7,5 ngàn và 2,4 ngàn trẻ nhập cư từ nơi khác đến. Trong đó, số trẻ 5 tuổi là 2,2 ngàn cần phải có thêm 20 phòng học nằm rải rác ở các xã mới đủ chỗ học. Số trẻ từ 3-4 tuổi cũng cần 20 phòng học mới đáp ứng đủ. Ngành đang phải mượn 10 phòng học tạm, một số trường cấp 4 đang bị xuống cấp chưa có vốn để đầu tư xây mới.
Xã Long Thọ phải mượn 2 phòng của nhà văn hóa xã và 2 phòng của Trường THCS Long Thọ. Xã Phú Đông phải mượn 3 phòng của Trường THCS Phú Đông. Riêng Trường mẫu giáo Phú Thạnh đã mượn 3 phòng của trường tiểu học, cơ sở vật chất đã xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng không thể mượn thêm bất cứ phòng học nào khác.
Huyện Nhơn Trạch hiện chỉ có 50% số trẻ 5 tuổi trên địa bàn được học bán trú, do đó mới có 8/12 xã đạt phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi. Nhu cầu gửi con của phụ huynh trong huyện rất lớn, đặc biệt là ở một số xã có đông công nhân nhập cư dẫn đến số trẻ tạm trú tăng, như: Phước Thiền, Hiệp Phước.
Hạnh Dung