Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10-8): Chia sẻ nỗi đau da cam…

10:08, 09/08/2013

52 năm sau thảm họa da cam Việt Nam, với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con cháu họ thì “cuộc chiến” vẫn tiếp diễn. Hàng ngày họ phải chống chọi với ốm đau, bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc da cam (CĐDC) gây ra.

52 năm sau thảm họa da cam Việt Nam, với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con cháu họ thì “cuộc chiến” vẫn tiếp diễn. Hàng ngày họ phải chống chọi với ốm đau, bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc da cam (CĐDC) gây ra.

* Chia sẻ nỗi đau…

Đồng Nai là một trong 3 điểm nóng của cả nước về nhiễm chất độc da cam/dioxin với hơn 13 ngàn người nhiễm, trong đó có gần 3.500 trẻ em bị khuyết tật các thể. Nhiều người trong số này đã chết bởi di chứng của CĐDC, nhưng không ít người vẫn tiếp tục sống trong bệnh tật…

Thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân là việc cần làm thường xuyên.
Thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân là việc cần làm thường xuyên.

Bằng nhiều nỗ lực, hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam trên địa bàn Đồng Nai đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã vận động được hơn 2,3 tỷ đồng với gần 2 ngàn lượt nạn nhân được hỗ trợ, chăm sóc. Trong đó có 3 nạn nhân được xây tặng nhà nhân ái, 2 nạn nhân được sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ vốn vay cho hàng chục gia đình; trợ cấp 116 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho nạn nhân và con nạn nhân CĐDC; trợ cấp thường xuyên cho 181 nạn nhân và 10 gia đình được giao heo giống… Ngoài ra, gần 1 ngàn lượt nạn nhân được các bệnh viện, các đoàn bác sĩ tình nguyện chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và 66 nạn nhân khuyết tật được tặng xe lăn, xe lắc…

Chị Nguyễn Thị Lệ, 40 tuổi,  ở ấp 5, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) là một trong số những nạn nhân được Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (Công ty Anco) hỗ trợ heo giống và thức ăn gia súc từ năm 2011. Với cặp heo giống ban đầu, gia đình chị đã phát triển đàn heo lên gần chục con và đến nay đã nhân đàn được lứa heo thứ 3, ổn định kinh tế gia đình. Chị Lệ chia sẻ: “Thu nhập gia đình tôi chủ yếu từ nguồn làm rẫy và làm công mướn. Nếu không có sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh và Công ty Anco, gia đình tôi không biết bây giờ ra sao”.

* Nới rộng vòng tay nhân ái

Từ khi thành lập Quỹ Hỗ trợ nạn nhân da cam đến nay, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp công sức, tiền bạc để hỗ trợ nạn nhân da cam. Nhưng có lẽ gắn bó thường xuyên và thiết thực nhất phải kể đến Công ty Anco. Nếu năm 2008, Anco hỗ trợ 180 triệu đồng thì đến năm 2011, số tiền này đã lên đến 776 triệu đồng và năm 2012, dù kinh tế khó khăn, nhưng công ty vẫn duy trì mức hỗ trợ là 775 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc và miền Trung của công ty, cho biết: “5 năm qua, công ty đã thành lập Quỹ Anco cùng bạn vì nạn nhân da cam. Một trong những hoạt động được chú trọng của Quỹ là chương trình “Vượt khó cùng Anco” với sự đóng góp của nhân viên trong toàn hệ thống”.

Hiện danh sách những người bị phơi nhiễm dioxin tại Biên Hòa vẫn đang dài thêm. Mới đây cùng đoàn công tác Văn phòng 33 về khảo sát hoạt động phơi nhiễm tại Đồng Nai, thạc sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, Hội Y tế công cộng Việt Nam, cho rằng người dân Biên Hòa, đặc biệt là những người sống gần sân bay đang phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe do phơi nhiễm với dioxin tồn tại trong môi trường, hoặc do tiêu thụ thực phẩm nhiễm chất này. Việc này cần phải can thiệp ngay để giảm đi những nguy cơ phơi nhiễm, ngăn chặn những thế hệ thứ 4, thứ 5 tiếp tục bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin.

Theo bà Đào Thị Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, trách nhiệm của Hội là rất lớn. Không chỉ có các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ về vật chất cho nạn nhân, mà nhiệm vụ lớn hơn là Hội phải trở thành điểm tựa, là nơi tập hợp, đoàn kết, động viên các nạn nhân. Hội đã duy trì và phát triển nguồn Quỹ Nạn nhân CĐDC/dioxin, khơi dậy được phong trào xã hội hóa hoạt động giúp đỡ nạn nhân của các tổ chức, cá nhân. Song song đó, Hội cũng chú ý đến việc tổ chức các hoạt động tinh thần, như: thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ, động viên nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân để họ có động lực vượt qua những khó khăn.

Vật lộn với nghèo khó, đau đớn về thể xác và tinh thần… là nỗi đau mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ đang phải đối mặt. Dù hoạt động hỗ trợ đã được quan tâm, nhưng những gì đã làm mới chỉ bù đắp, xoa dịu một phần nhỏ nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình họ đang phải gánh chịu.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều