Đến nay, mạng lưới các cơ sở, trung tâm dạy ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh đã phủ kín trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở, trung tâm dạy ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh đã phủ kín trên địa bàn tỉnh. Hàng năm ở Đồng Nai đều có thêm một số cơ sở ngoại ngữ được thành lập, đồng thời cũng có không ít cơ sở phải đóng cửa... Các cơ sở phải đề ra nhiều giải pháp để cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Nhiều trung tâm mời giáo viên nước ngoài giảng dạy để thu hút học viên. |
Ông Phạm Minh Đức, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), cho biết cách đây 10 năm, toàn tỉnh chỉ có hơn 20 cơ sở, trung tâm dạy ngoại ngữ, nhưng đến nay đã lên đến 109 cơ sở.
* Nhu cầu lớn
Số lượng các cơ sở ngoại ngữ tăng nhiều xuất phát từ nhu cầu của người học (hiện có trên 98 ngàn lượt người đăng ký tham gia các khóa học); thủ tục cấp phép cho các cơ sở ngoại ngữ hoạt động đơn giản hơn (không còn giới hạn về khoảng cách giữa các cơ sở, bỏ yêu cầu chủ cơ sở phải có hộ khẩu tại Đồng Nai)... Các cơ sở ngoại ngữ chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa với 53 cơ sở, chiếm gần 49% tổng số cơ sở trong tỉnh.
Dù kinh tế hiện nay còn khó khăn nhưng học viên của nhiều cơ sở ngoại ngữ vẫn tăng từ 10-30% và nhiều cơ sở phải mở thêm chi nhánh. Như cơ sở ngoại ngữ Thế Hệ Mới, từ 2 chi nhánh chính đã phát triển thành 5 chi nhánh với tổng số trên 2 ngàn học viên; Trung tâm ngoại ngữ Việt Mỹ phát triển thành 2 chi nhánh ở TP.Biên Hòa và huyện Long Thành với gần 1 ngàn học viên (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái); Cơ sở ngoại ngữ Hiếu Học có 700 học viên (tăng trên 33%)...
Chủ một số cơ sở ngoại ngữ tại TP.Biên Hòa chia sẻ, hiện nay nhu cầu học ngoại ngữ rất đa dạng để phục vụ cho việc học tập, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày và môi trường làm việc quốc tế. Ngoài ra, các học viên còn có nhu cầu thi chứng chỉ quốc tế Cambridge, TOEIC, TOFEL. Lượng học viên tại các cơ sở tăng nhiều hay ít còn tùy vào các thời điểm trong năm. Tuy nhiên, đông nhất vẫn vào dịp hè, lượng học viên tăng trên 70%.
* Cạnh tranh bằng chất lượng
Ông Phạm Minh Đức cho biết những năm gần đây, trung bình mỗi năm có hơn 10 cơ sở ngoại ngữ được thành lập, nhưng cũng có hơn 5 cơ sở phải ngưng hoạt động. Trong quá trình cạnh tranh, để thu hút và giữ được học viên, các cơ sở buộc phải có nhiều cách để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thi chứng chỉ Anh ngữ quốc tế tại Đồng Nai Ông Phạm Minh Đức, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), cho biết hiện nay 2 hội đồng khảo thí tiếng Anh danh tiếng nhất thế giới đã có mặt tại Đồng Nai. Cụ thể, từ tháng 10-2012, Sở đã hợp tác với Công ty IIG Việt Nam (đại diện chính thức và duy nhất của Hội đồng khảo thí giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam) đã tổ chức các kỳ thi TOEIC, TOEFL tại Đồng Nai. Trước đó, vào năm 2008, Sở đã hợp tác với Hội đồng Khảo thí tiếng Anh thuộc Trường đại học Cambridge (Anh) triển khai các chương trình học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Cambridge tại Đồng Nai. Chương trình này bao gồm các cấp độ: Starters, Movers, Flyers cho trẻ em từ 7-12 tuổi; KET, PET, FCE cho học sinh trung học và TKT cho giáo viên dạy tiếng Anh. Trong năm học 2012-2013, Sở đã tổ chức 17 kỳ thi chứng chỉ của Trường đại học Cambridge cho gần 4 ngàn thí sinh và 5 kỳ thi chứng chỉ TOEIC cho 118 thí sinh. |
Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tốt, giáo viên đủ chuẩn, các cơ sở còn mời giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 25 giáo viên đến từ các nước Anh, Mỹ, Úc, Philippines... Các cơ sở cũng phải biên soạn giáo trình riêng phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng học viên và điều chỉnh mức học phí cho phù hợp. Một số cơ sở còn thường xuyên có các chương trình học bổng dành cho học viên đạt thành tích học tập cao trong mỗi khóa học, tổ chức các chương trình ngoại khóa…
Hiện nay, số lượng cơ sở, trung tâm dạy ngoại ngữ tăng nhưng nguồn giáo viên không đủ để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị. Chị Trần Xuân Hải, giáo viên dạy tiếng Anh tại một cơ sở ngoại ngữ của TP.Biên Hòa, cho biết nhiều đơn vị đòi hỏi rất khắt khe, như: giáo viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngữ xếp hạng khá trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh, có kinh nghiệm giảng dạy, có các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOFEL, IELTS... Nhiều cơ sở phải có chế độ thu hút để giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy của mình.
Ngọc Thư - Tùng Lam