Đầu năm học, ngồi nói chuyện với anh bạn làm thầy giáo dạy ở một trường phổ thông mà lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn.
Đầu năm học, ngồi nói chuyện với anh bạn làm thầy giáo dạy ở một trường phổ thông mà lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn.
Anh kể, đầu năm học là vào mùa đi xin... giáo án. Cứ gần ngày tựu trường là y như rằng anh bị làm phiền vì những cuộc điện thoại và người thăm nhà. Lạ là có người chỉ quen một hai lần ở đám tiệc, họp hành, đi tập huấn, nhưng cũng biết được số điện thoại hay nhà mình. Những vị khách xã giao ấy sau màn hỏi thăm sức khỏe là vào đề ngay chuyện xin - cho. Họ xin anh giáo án có sẵn trong máy vi tính, không phải để tham khảo những cái hay, cái mới mà là mang về... sao chép nguyên bản. Những lần đầu anh còn hơi khó chịu, có lúc bực mình vì sự hồn nhiên của đồng nghiệp khi thẳng thừng xin chất xám và công sức người khác không một chút e ngại, sau thì đã… quen. Bởi, không cho thì họ bảo mình xấu, keo kiệt, nhưng cho thì rước phiền toái vào thân. Giáo án của anh và không ít đồng nghiệp được “nhân bản” ra khá nhiều, giống đến từng câu chữ, lỗi đánh máy cũng chẳng sửa...
Tình trạng xin giáo án của nhau, chép trên mạng xuống chỉnh sửa đôi chút, thậm chí chỉ cần đổi tên đang là chuyện không phải hiếm. Người được xin riết rồi không còn khó chịu và người đi xin cũng chẳng còn ngại ngùng. Thực tế, không thể lấy giáo án của người này ở trường nọ để sử dụng cho người khác ở trường kia vì trình độ học sinh mỗi lớp mỗi khác nhau. Đây là điều tối kỵ trong sư phạm. Người dạy phải có sự linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Và giáo án sẽ là nơi để giáo viên chuẩn bị thể hiện những gì truyền đạt đến học sinh. Đáng nói hơn, đằng sau sự xin - cho đó còn làm nhiều người thầy có tâm băn khoăn cho chất lượng giáo dục bởi cũng biết chuyện ấy là không nên.
Hưng Nhân