Toàn huyện Cẩm Mỹ mới chỉ có 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trường lớp thiếu thốn, giáo viên không đạt chuẩn đang khiến cho bậc học này gặp nhiều khó khăn khi năm học mới đang đến gần.
Toàn huyện Cẩm Mỹ mới chỉ có 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trường lớp thiếu thốn, giáo viên không đạt chuẩn đang khiến cho bậc học này gặp nhiều khó khăn khi năm học mới đang đến gần.
Ông Lê Ngọc Ninh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết toàn huyện hiện có 20 trường mầm non (18 trường công lập, 2 trường dân lập). Trừ xã Xuân Đường có trường đạt chuẩn, còn lại hầu hết các xã đều thiếu trường lớp học.
* Học cả ở hành lang
Ông Lê Ngọc Ninh cho biết thêm, nguồn kinh phí của địa phương eo hẹp, chưa đủ điều kiện để xây mới, sửa chữa. Sông Ray, Bảo Bình, Lâm San, Xuân Đông, Xuân Tây, Thừa Đức là các xã thiếu phòng học nhiều nhất. Nhiều trường mầm non phải mượn phòng học của các trường tiểu học hoặc nhà văn hóa để mở điểm trường, còn lại là các phòng học tạm bợ. Phòng học chật hẹp, thiếu ánh sáng, học cụ, đồ chơi cho trẻ hạn chế, bàn ghế, nhà vệ sinh không đúng quy cách. Có những điểm trường không có cả tường rào bao quanh, gây nguy hiểm khi trẻ chạy nhảy, chơi đùa.
Trường mầm non Hướng Dương phải học chay trong phòng tạm xây cách đây 25 năm. |
Tiêu biểu trong số đó là Trường mẫu giáo Xuân Tây (xã Xuân Tây). Là xã có kinh tế khó khăn, khoảng cách giữa các ấp xa, khó tập trung trẻ nên trường này phải mở 6 phân hiệu ở các ấp, trong đó có 2 phân hiệu phải mượn phòng của Trường tiểu học Xuân Tây. Phân hiệu tại ấp 3 có 50 cháu phải học ở các phòng học đã bị xuống cấp trầm trọng, xung quanh là ruộng rẫy và đường liên ấp, không có cửa cổng, tường rào bao quanh bảo vệ.
“Toàn thể cán bộ, giáo viên phải làm việc trong căn phòng vỏn vẹn 26m2 nhằm tạo mọi điều kiện cho trẻ có phòng để học. Chúng tôi đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ để trường có thêm phòng học, phòng chức năng; giúp trẻ em nghèo trong xã có đồ chơi, sân chơi, giảm bớt phần nào thiếu thốn, thiệt thòi cho các cháu” - Cô Lê Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) cho biết. |
Ở Trường mầm non Bảo Bình (xã Bảo Bình), trẻ lớp mầm, lớp chồi (3-4 tuổi) nhiều năm nay phải học ngoài hành lang để nhường chỗ cho trẻ 5 tuổi học theo yêu cầu phổ cập mầm non. Đến buổi trưa, các cháu mới được vào phòng học để ngủ nhưng phải chen lấn nhau do lớp quá chật.
* Khó giữ chân giáo viên
Cô Lê Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (xã Sông Nhạn), tâm sự: “Trường được xây dựng từ năm 1987 với các phòng học tạm bợ, nhiều phòng học đã xuống cấp. Đầu năm 2013, huyện xây mới cho 4 phòng học, còn 3/7 phòng học chưa có nhà vệ sinh đúng chuẩn, nhà bếp, sân chơi cho trẻ. Cả giáo viên và các cháu đều phải học chay vì trường chỉ có vài bộ đồ chơi cũ kỹ, sử dụng hết năm này đến năm khác”.
Tháng 3-2013, Trường mầm non Xuân Đường (xã Xuân Đường) là trường mầm non đầu tiên của huyện được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường có diện tích rộng 9.500m2, gồm 8 phòng học, 9 phòng chức năng, cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, tổ chức bán trú 100% cho 173 cháu. Đội ngũ giáo viên, nhân viên gồm 27 người, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giảng dạy cũng như chăm sóc trẻ. Trường có một khu vui chơi cho trẻ và một không gian để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như “ phiên chợ quê em” gây hứng thú, vui vẻ cho trẻ. Đó là hình mẫu lý tưởng về một ngôi trường mầm non mà phụ huynh, trẻ mầm non, giáo viên ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa khó khăn khác trong huyện mơ ước. |
Trong khi đó, 2 phân hiệu của trường cách xa nhau cả 5km, đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì bụi bặm. 150 trẻ nhưng mới có 11 giáo viên, bởi thế việc chăm sóc các cháu rất vất vả. Nhiều cô không thể tiếp tục công việc phải xin chuyển công tác, trường phải hợp đồng với những người ngoài để chăm sóc trẻ dù biết họ không có chuyên môn.
Cô Trần Thị Thanh Hà, chuyên viên phụ trách khối mầm non, Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ, cho biết do học sinh đông, trường lớp ít nên sĩ số luôn vượt quá chuẩn. Địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, lương thấp nên có nhiều giáo viên chỉ công tác được 1, 2 năm lại xin chuyển đi nơi khác. Năm học tới, bậc học mầm non của huyện còn thiếu 59 phòng học để nuôi dạy cho trên 1,7 ngàn trẻ mầm non.
Hạnh Dung