Thời tiết mưa nắng thất thường khiến nhiều loại bệnh bùng phát, trong đó, sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh.
Thời tiết mưa nắng thất thường khiến nhiều loại bệnh bùng phát, trong đó, sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng cho hay, nếu những năm trước, bệnh SXH tập trung đến 80% ở trẻ em, thì nay tỷ lệ mắc bệnh ở 2 đối tượng này là 50-50. Phần lớn số ca người lớn mắc bệnh là công nhân lao động đang thuê nhà trọ ở các huyện: Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa.
* Bệnh “tấn công” người lớn
Từ đầu tháng 7 đến nay, tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là Đồng Nai và Thống Nhất, bệnh nhân SXH phải điều trị nội trú gia tăng nhanh. Trong đó, ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nếu như cả 6 tháng có 21 trường hợp điều trị SXH thì mới đến giữa tháng 7 đã có 30 trường hợp, tăng đến 50%. Riêng 3 bệnh viện tuyến khu vực là: Long Thành, Định Quán và Long Khánh, lượng bệnh SXH nhập viện cũng tăng ở mức khoảng 20%.
Khoa nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) đang quá tải bệnh nhân bị sốt xuất huyết. |
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), cho biết: “Thời điểm tháng 7, năm nào lượng bệnh SXH cũng tăng, nhưng mức tăng nhẹ. Tuy nhiên, năm nay lượng bệnh tăng cao đột biến, khiến cho khoa nhiễm quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm giường xếp ở lối đi trong khoa. Nếu trước đây, chủ yếu là bệnh nhân trẻ dưới 30 tuổi thì nay có cả người già 70-80 tuổi và phụ nữ mang thai. Phần lớn bệnh nhân là công nhân ở trọ”.
Đến thời điểm này, Đồng Nai đã ghi nhận trên 1.300 trường hợp mắc SXH. Con số này theo đánh giá của ngành y tế là giảm so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, số ca nhập viện do SXH tăng mạnh. Chỉ tính riêng ở TP.Biên Hòa trong tuần qua đã có trên 450 ca SXH, tăng hơn 50% so với những tuần trước đó. |
Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Trinh, 26 tuổi, công nhân Công ty Pouchen (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, kể: “ Khi bị sốt em chỉ nghĩ bị cảm cúm thông thường, ai dè khi xét nghiệm máu mới biết bị SXH. Nguyên nhân gây bệnh có thể do điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại khu nhà trọ còn hạn chế, nhất là khu vực xung quanh phòng trọ nhiều cây cối, bụi rậm nên muỗi khá nhiều”.
* Gian nan chống dịch
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng cho biết, dịch bệnh SXH đang bước vào đỉnh mùa dịch thứ 2 trong năm (tháng 8 và 9). Các địa phương có số ca mắc bệnh cao là: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và huyện Trảng Bom. Riêng 4 xã: Phú Cường, Túc Trưng, La Ngà và Phú Tân (huyện Định Quán) từ đầu tháng 7 đến nay, mật độ lăng quăng ở các xã này tăng đến 200%. Hiện Trung tâm Y tế huyện Định Quán đã tổ chức phun thuốc diệt lăng quăng và giám sát các ổ dịch. Số ca mắc SXH tại các xã này cũng tăng hơn với những tháng trước.
Nhiều khu nhà trọ không đảm bảo vệ sinh rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong ảnh: Một khu nhà trọ công nhân ở xã Hóa An- Biên Hòa. |
Để khống chế dịch bệnh, thời gian qua, ngành y tế đã tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng đợt I trên diện rộng tại các xã, phường; xử lý 98% ổ dịch trên địa bàn; 100% huyện, thị xã và thành phố đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, cấp tờ rơi về phòng chống SXH. Trung tâm y tế các địa phương đã huy động lực lượng cộng tác viên y tế xã, phường tăng cường truyền thông đến người dân, đặc biệt là công nhân lao động trong các khu nhà trọ và đang chuẩn bị ra quân chiến dịch diệt lăng quăng đợt II vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này.
Theo Sở Y tế, cùng với sự bùng phát mạnh của bệnh SXH, số ca mắc các bệnh nhiễm khác, như: tay chân miệng, sốt rét, tiêu chảy và đặc biệt bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên - cũng diễn biến phức tạp. Riêng bệnh tay chân miệng, tuy có chựng lại so với những tháng đầu năm, nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao với ghi nhận từ 80-100 ca/tuần. |
Tuy nhiên, việc phòng dịch còn khá gian nan. Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, cho hay: “Công tác phòng chống SXH tại các khu nhà trọ trên địa bàn rất khó khăn. Ban ngày công nhân đi làm, nhân viên y tế phải tổ chức truyền thông và phun xịt hóa chất vào chiều tối và ngày nghỉ. Nhưng việc phun xịt chỉ có tính chất tạm thời, về lâu dài, cần sự chuyển đổi ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống”.
Cùng tâm trạng trên, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, cũng cho rằng: “Biên Hòa luôn dẫn đầu số ca mắc SXH bởi ở địa bàn có mật độ dân cư đông, số công nhân lao động nhập cư lớn. Ngành y tế đã triển khai việc phun xịt hóa chất tại 100% xã, phường, nhưng việc truyền thông thay đổi hành vi trong công nhân vẫn rất hạn chế và cần sự chung tay tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là tuyến xã, phường”.
Phương Liễu