Kinh tế suy thoái kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động, vì vậy nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (DN) của tổ chức Công đoàn gặp không ít khó khăn.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.NGHĨA |
Kinh tế suy thoái kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động, vì vậy nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (DN) của tổ chức Công đoàn gặp không ít khó khăn.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ đình công, trong đó 84,3% vụ ở DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nắm chắc đời sống người lao động
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, xảy ra đình công có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là vấn đề tiền lương, tiền công, trong đó có một số DN chậm trễ hoặc cố tình kéo dài thời gian điểu chỉnh lương tối thiểu theo quy định mới. Thống kê của LĐLĐ tỉnh cho thấy, tỷ lệ vụ đình công do DN chậm điều chỉnh lương và chế độ nâng lương định kỳ chiếm 65,6%.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương: Tăng cường chăm lo đời sống người lao động Từ nay tới cuối năm, Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho công nhân viên chức, lao động. Song song với công tác sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 84 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 20 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tổ chức Công đoàn, cần đặc biệt chăm lo đời sống người lao động, tiến hành củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài để chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Công đoàn cũng cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong công nhân lao động, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động… |
Bên cạnh đó, vài DN điều chỉnh nâng lương nhưng lại cắt đi các khoản trợ cấp trước đó của người lao động. Bà Như Ý cho biết thêm, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều DN đã thắt chặt chi tiêu, tiền lương, tiền thưởng, do đó mức thưởng của năm nay không bằng năm trước, tạo ra tâm lý không đồng tình của người lao động.
Một nguyên nhân khác dẫn đến đình công, phản ứng tập thể là vì thái độ ứng xử không tốt do thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam hoặc của cán bộ chủ quản là người nước ngoài, dẫn đến người lao động bất bình. LĐLĐ tỉnh còn thống kê nhiều nguyên nhân khác dẫn đến đình công, như: DN không chi trả phụ cấp độc hại, chất lượng bữa ăn kém, môi trường làm việc không hợp vệ sinh, tăng ca quá giờ quy định… như đã từng xảy ra tại Công ty TNHH Seorim, Dongjin (Khu công nghiệp Loteco)…
Còn nhiều việc phải làm
Theo tìm hiểu của Công đoàn các cấp, nhiều DN trên địa bàn tỉnh hiện không áp dụng chính sách trả lương tối thiểu mà trả lương qua thương lượng với người lao động. Mức bình quân thu nhập trước thương lượng khoảng trên 4 triệu đồng, cao hơn quy định mức lương tối thiểu của Nhà nước. Ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, cho biết mới đây đơn vị đã tiến hành khảo sát sâu về tiền lương và thu nhập của người lao động, kết quả cho thấy phần lớn lao động sau khi trừ chi phí đều dư, tuy nhiên chỉ ở mức 200 - 400 ngàn đồng, một số công nhân còn bị thâm hụt do có con ốm đau, có việc đột xuất…
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh hiện nay có thực trạng là lương người lao động không theo nổi giá cả tiêu dùng, trong đó giá phòng trọ từ 400 ngàn đồng tăng lên 600 - 700 ngàn đồng/phòng, giá điện từ 1.500 đồng lên 2.000 - 2.500 đồng/kW, nước sinh hoạt từ 7 - 9 ngàn đồng nay tăng lên 10 - 12 ngàn đồng/m3. Đồng Nai đã triển khai cấp định mức điện, nước sinh hoạt cho công nhân, sinh viên các khu nhà trọ, nhưng trên thực tế vẫn có rất ít đối tượng nằm trong quy định được thụ hưởng chế độ này.
Một vấn đề khác cũng cần được LĐLĐ quan tâm giải quyết trong thời gian từ nay tới cuối năm là việc DN nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Ông Cao Xuân Hưng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom, bức xúc khi cho biết tình trạng DN nợ bảo hiểm xã hội không có xu hướng giảm mà còn gia tăng. Nếu như cuối năm 2012, tổng số nợ bảo hiểm xã hội chỉ 159 tỷ đồng (khoảng 2,8% trên tổng số thu), thì 5 tháng đầu năm nay, con số này đã là 493 tỷ đồng. Đã có những DN chưa giải quyết xong nợ đọng bảo hiểm xã hội thì lại tiếp tục mắc một khoản nợ mới còn lớn hơn.
Công Nghĩa