Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc, trong đó có hình thức đấu thầu thuốc tập trung được xem là một trong những biện pháp khắc phục tình trạng bát nháo giá thuốc, bảo vệ quyền lợi người bệnh và chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc, trong đó có hình thức đấu thầu thuốc tập trung được xem là một trong những biện pháp khắc phục tình trạng bát nháo giá thuốc, bảo vệ quyền lợi người bệnh và chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định mới này còn nhiều bất cập, quản được đầu này nhưng lại hổng đầu kia…
* Lợi bất cập hại?
Dược sĩ Võ Thị Quỳnh Như, Trưởng khoa dược Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - thành viên của Hội đồng đấu thầu thuốc, chia sẻ: “Theo thông tư hướng dẫn, thang điểm không phân biệt thuốc chất lượng cao hay thấp. Bởi những công ty dược đạt thang điểm từ 70 - 100 đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau. Thực tế, với thang điểm tối thiểu 70 (doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP-WHO) thì hầu hết các công ty sản xuất thuốc đều dễ dàng đạt vì đây là tiêu chuẩn bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với các loại thuốc của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan sẽ được “lên sàn” đấu chung với thuốc của Mỹ, Bỉ, Ý và Pháp... Và trong “trận chiến” về giá, thuốc của các nước châu Âu khó lòng cạnh tranh với giá thuốc giá rẻ của các nước châu Á”.
Phân loại thuốc tại Bệnh viện đa khoa Giầu Giây. Ảnh: P. Trường |
Rõ ràng, mục tiêu của hình thức đấu thầu thuốc tập trung tại các bệnh viện và nhằm đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh tình trạng thuốc đi vòng vo qua nhiều tầng lớp trung gian, dẫn đến giá thuốc bị đội lên. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán băn khoăn khi cho rằng, trong điều trị, thuốc là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến 70% chất lượng điều trị bệnh tật. Nếu chỉ đặt nặng về giá thì thiệt thòi trước hết thuộc về bệnh nhân khi không có cơ hội được điều trị bằng thuốc tốt. Ngoài ra, chưa chắc sử dụng thuốc rẻ đã tiết kiệm hơn thuốc giá cao trong công tác điều trị.
* Nguy cơ “cháy” thuốc điều trị
Thông tư liên tịch số 01 quy định về đấu thầu thuốc, trong đó có hình thức đấu thầu tập trung chính thức có hiệu lực từ tháng 6-2012. Tuy nhiên, phải đến tháng 3-2013, Đồng Nai mới tổ chức đấu thầu theo hình thức này tại 35 cơ sở y tế công lập. Nếu như trước đây, các bệnh viện dựa trên nhu cầu thực tế của mình chủ động việc đấu thầu thì nay, Sở Y tế là đơn vị chịu trách nhiệm xét duyệt thuốc cho tất cả các đơn vị y tế công lập trước khi trình lên Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc bước sang tháng 7-2013 vẫn chưa có kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 khiến hoạt động của không ít bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Phát thuốc cho bệnh nhân tại phòng khám đa khoa Xuân Hòa (Phường Tân Biên). |
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Dầu Giây Hoàng Nghĩa Đài cho hay, dù việc mua thuốc dự trù với bệnh viện là không khó. Khó là ở chỗ, theo mục 3 Công văn 653 về hướng dẫn thực hiện thanh toán thuốc khám bệnh Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm y tế tồn kho sau thời điểm có kết quả đấu thầu năm 2013, phần nào nằm ngoài danh mục, sản phẩm của những đơn vị không trúng thầu sẽ không được Bảo hiểm y tế thanh toán.
Trong “trận chiến” về giá, thuốc của các nước châu Âu khó lòng cạnh tranh với thuốc giá rẻ của các nước châu Á. |
Vì thế, để tránh nguy cơ “cháy” thuốc điều trị, nhiều bệnh viện đã có những cách đối phó khác nhau. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai yêu cầu bác sĩ chỉ lên toa những loại thuốc có sẵn - nghĩa là bệnh nhân bị cắt giảm cơ hội được sử dụng những loại thuốc có khả năng đáp ứng tốt hơn cho bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thì chỉ dám dự trữ những loại thuốc thông thường, phổ biến. Những loại biệt dược dự trữ rất hạn chế và bác sĩ phải lựa chọn nhiều khi kê toa thuốc cho bệnh nhân. Ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh lại lên phương án “mượn” thuốc từ các công ty dược để “chữa cháy”, nếu công ty dược đó trúng thầu sẽ trừ sau. Nhưng chính các công ty dược cũng không dám cho mượn vì sợ lỡ… không trúng thầu.
Sẽ có kết quả đấu thầu trong tháng 7 Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc, để bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời cho công tác khám chữa bệnh, không để bệnh nhân một ngày thiếu thuốc, Sở Y tế đã trình và được UBND tỉnh cho phép các bệnh viện được gia hạn kế hoạch mua thuốc dự trữ đến ngày cuối tháng. Dự kiến kết quả đấu thầu sẽ được phê duyệt vào tháng 7 này để các bệnh viện tiến hành ký hợp đồng với các công ty dược trúng thầu”. |
Phi Trường