Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho công nhân: Vấn đề còn bỏ ngỏ

09:07, 02/07/2013

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sức khỏe tâm thần (SKTT) của người lao động không chỉ chi phối đến  đời sống tinh thần, thể chất mà còn có vai trò quan trọng trong hiệu quả sản xuất và an toàn lao động.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sức khỏe tâm thần (SKTT) của người lao động không chỉ chi phối đến  đời sống tinh thần, thể chất mà còn có vai trò quan trọng trong hiệu quả sản xuất và an toàn lao động.

Đồng Nai có lượng lao động nhập cư khá đông. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm, công việc áp lực, kinh tế bấp bênh, đời sống tinh thần nghèo nàn… khiến không ít công nhân bị các chứng rối loạn tinh thần (RLTT).

* Thiếu khả năng nhận biết bệnh…

Chị Nguyễn Ngọc Mai, 27 tuổi, quê Thái Bình, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, hiện đang ở trọ tại KP6, phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa), cho hay: “Đi làm về em chỉ biết lăn ra ngủ. Ngày nào cũng như thế. Riết rồi em thấy đời mình như cỗ máy”.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam.

Còn cô bạn cùng phòng của Ngọc Mai là Phan Hồng An thì đang suy sụp sau khi người yêu đi lấy vợ. Mai kể: “Chị ấy đi làm thì một tuần ngất mấy bận. Về lại nằm một chỗ, ăn uống rất ít và cứ kêu toàn thân đau nhức, rã rời, nhưng lại không chịu đi khám bệnh. Lâu lâu lại đòi… chết”.

Một số kết quả nghiên cứu, khảo sát do Bệnh viện tâm thần trung ương 2 phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai thực hiện trên 840 công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2:

- 14,3% công nhân trong diện khảo sát được xác định có bệnh lý rối loạn tâm thần (RLTT).

- Tỷ lệ nữ công nhân bị  RLTT là 64%, trong khi nam chỉ là 32,8%.

- 41,7% công nhân ở các ngành dệt, may mặc có RLTT, cao gấp 2-8 lần so với công nhân các ngành nghề khác.

- Những công nhân có thời gian làm việc dưới 5 năm dễ bị các RLTT hơn những người làm việc lâu năm với 48,3% so với tỷ lệ 17,5% của người làm việc trên 10 năm.

- 47,5% công nhân đến từ các tỉnh miền Trung và 30,8% công nhân đến từ các tỉnh miền Bắc có RLTT, cao gấp 5-7 lần so với công nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam bộ.

- 83,3% số công nhân được khảo sát có biểu hiện lâm sàng thực thể, như:  dễ đuối sức và mệt mỏi, đau đầu, đau cổ, chóng mặt, hay ngất xỉu…

- 88,6% công nhân có biểu lâm sàng của suy nhược thần kinh, như:  khó tập trung, kém minh mẫn, giảm trí nhớ, hay toát mồ hôi và dễ quên…

Câu chuyện của Mai và An cũng không phải là cá biệt trong giới công nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho biết: “Qua thực tế khảo sát đời sống của công nhân nhà trọ, không ít người phải đối đầu với những lo toan, nhất là người có con nhỏ phải gửi về quê cho ông bà nuôi, hàng tháng phải dành dụm tiền gửi về cho người thân, vì thế mà phải tằn tiện trong sinh hoạt, tranh thủ tăng ca để trang trải cuộc sống… Từ chỗ sức khỏe bản thân không được chăm sóc, SKTT không được bồi bổ… nguy cơ phát sinh các RLTT là khó tránh”.

Mới đây, Bệnh viện tâm thần trung ương 2 đã phối hợp với Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai thực hiện một nghiên cứu, khảo sát về vấn đề SKTT trên 840 công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Kết quả phản ánh thực tế đáng lo ngại khi một tỷ lệ khá lớn công nhân có liên quan đến các RLTT.  Trong đó, nhẹ là lo âu, chán nản, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, ít quan tâm đến bản thân; nặng hơn là trầm cảm, tuyệt vọng, có suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí tự hủy hoại bản thân…

Điều đáng quan tâm là nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được có 120/840 công nhân qua khám sàng lọc được xác định đã có những RLTT (chiếm 14,3% số người được khảo sát). Song, những công nhân này lại không hề biết mình đang bị bệnh nên không được tiếp cận với các liệu pháp điều trị, dẫn đến tình trạng dễ bị kích động, không thể kiểm soát được hành vi và đã gây ra những tai nạn đáng tiếc.

* Cần được chăm sóc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp SKTT vào hàng thứ 4/10 yếu tố ưu tiên trong sử dụng nguồn nhân lực bởi hệ lụy và ảnh hưởng của SKTT trên công việc là rất lớn: Có thể đưa đến tình trạng bê trễ, vắng mặt trong giờ làm việc, sức khỏe yếu kém, giảm năng suất lao động, giảm khả năng quyết định và lên kế hoạch làm việc, tăng tỷ lệ tai nạn và thương tích trong khi làm việc, gây ức chế tâm lý và làm giảm sự gắn bó với công việc, dễ phát sinh tình trạng kiệt sức, dễ phát sinh các căng thẳng và xung đột trong các mối quan hệ, gia tăng các vấn đề kỷ luật tại nơi làm việc…

Công nhân bị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khám tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai.
Công nhân bị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khám tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai.

Còn theo ILO, vấn đề SKTT của người lao động cùng những ảnh hưởng của chúng đến năng suất, cũng như những khoản tiêu tốn mà các doanh nghiệp và người lao động phải bỏ ra khi bị các RLTT là không nhỏ. Do đó, chăm sóc SKTT cũng cần được quan tâm như chăm sóc sức khỏe thể chất. Bởi các bệnh lý RLTT nếu không được phòng ngừa và điều trị, sẽ dẫn đến những bệnh về thể chất, như: bệnh thần kinh, tim mạch và các bệnh lý về cơ - xương - khớp.

Để phòng ngừa các RLTT trong  công nhân lao động, Th.S tâm lý Lê Minh Công, Thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, cho rằng đã đến lúc các ngành chức năng cần quan tâm, xem xét một cách đầy đủ  tầm quan trọng của việc chăm sóc SKTT. Trong đó, truyền thông nâng cao nhận thức của công nhân về các biểu hiện của RLTT để có thể tự kiểm soát, tự giải thoát bản thân khỏi những stress vốn nảy sinh rất nhiều trong cuộc sống là điều cần thiết. Đặc biệt là người bệnh phải được tiếp cận, điều trị và chăm sóc y tế khi đã có những biểu hiện lâm sàng thực thể.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ,  nguyên Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai:

“Trong cuộc sống có rất nhiều biến cố phải đối mặt, nhưng trước hết mỗi người phải biết lựa chọn và giải quyết những biến cố có tác động và sự ảnh hưởng lớn đến bản thân và gia đình. Mỗi khi có stress, nên sớm giải quyết bằng cách trao đổi, tâm sự với những người mình tin cậy, đừng để stress chồng stress...”.

* TS.BS Bùi Tiến Dũng, Chánh văn phòng Trung tâm chỉ đạo tuyến (Bệnh viện tâm thần trung ương 2):

“Hiện đời sống vật chất và tinh thần của công nhân còn nhiều khó khăn nên nguy cơ bị những rối loạn tâm thần là khó tránh. Song, trước khi có sự can thiệp của các ngành chức năng thì chính người lao động cần phải biết tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình bằng việc sắp xếp khoa học cuộc sống nhằm tạo ra sự cân bằng cho bản thân”.

* Th.S Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn và giáo dục We Link (TP. Hồ Chí Minh):

“Cần phải tăng cường truyền thông khả năng nhận biết các biểu hiện lâm sàng về rối loạn tâm thần cho công nhân; đồng thời phải tổ chức và đưa được dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần đến người lao động”.

* Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.Hồ Chí Minh:

“Rối loạn tâm thần là một căn bệnh làm ảnh hưởng lên các khía cạnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi… từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực trong đời sống cá nhân cũng như gia đình người bệnh. Do đó, việc giúp gia tăng sự biểu biết về các bệnh lý tâm thần có thể khiến bệnh nhân được sớm tiếp cận với việc điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

* Anh Hoàng Quang Vinh (Sở Lao động - thương binh và xã hội):

“Nên phát triển các nhóm nhân viên công tác xã hội tại các doanh nghiệp; tuyên truyền đến chủ doanh nghiệp và người lao động về các hệ lụy khi công nhân bị các rối loạn tâm thần; đồng thời hỗ trợ nữ công nhân trong thời gian mang thai, hậu sản và xây những nhà trẻ trong khu công nghiệp để chị em yên tâm làm việc”. 

   Uyên Uyên (ghi)

 

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều