Báo Đồng Nai điện tử
En

Cắt xén quy trình tiêm chủng

07:07, 24/07/2013

An toàn tiêm chủng là quy trình được quy định nghiêm ngặt từ khâu bảo quản đến thực hành.

An toàn tiêm chủng là quy trình được quy định nghiêm ngặt từ khâu bảo quản đến thực hành. Song, vì nhiều lý do, quy trình này bị cắt xén hoặc lược giản bớt dẫn đến nguy cơ biến chứng khiến các bậc cha mẹ không muốn cho con đi tiêm phòng.

Có mặt tại buổi tiêm chủng vào đầu tháng 7 tại Trạm y tế phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa), chúng tôi nhận thấy,  phụ huynh từ khi đăng ký ghi sổ và chờ đến lượt con mình được tiêm khoảng 15-20 phút, nhưng việc tiêm chủng chỉ diễn ra chưa đầy 2 phút. Sau đó, phụ huynh thường bế con về ngay.

* Tư vấn sơ sài

Khi được hỏi vì sao một số bước thực hành lại bị bỏ qua, y sĩ Phan Sỹ Lý, Trưởng trạm cho biết: “Trảng Dài là phường đông dân nhất Biên Hòa, nếu làm đúng theo quy trình 15 bước thì phải đến 5-7 ngày mới giải quyết xong số lượng trẻ cần tiêm. Ở đây đa số là công nhân, họ vội vã đưa con đi tiêm chủng rồi về đi làm nên trạm không đủ thời gian và nhân lực để tư vấn hay khám phân loại bệnh”.

Đo chiều cao cho trẻ trước khi tiêm tại Trạm y tế phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa).
Đo chiều cao cho trẻ trước khi tiêm tại Trạm y tế phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa).

Ghi nhận tại một số trạm y tế về quy trình tiêm chủng, cho thấy ngoài việc bảo quản vaccine trong thùng lạnh thông thường, thì 15 bước thực hành tiêm chủng hầu như bị cắt đi quá nửa. Trong đó,  2 khâu quan trọng nhất là khám phân loại trước tiêm và ở lại theo dõi biến chứng sau tiêm hầu như không được thực hiện.

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng: “Do lượng người đến tiêm chủng quá đông trong khi cơ sở vật chất tại các điểm tiêm chủng chật hẹp nên môi trường tiêm chủng chưa  được bảo đảm. Đặc biệt, các cháu đi đường xa đến tiêm rồi quay về ngay, mệt rất dễ dẫn đến sốc. Do đó, để hạn chế biến chứng sau tiêm chủng, chúng tôi chỉ đạo các điểm tiêm chủng chia lịch tiêm để giãn số lượng người đến tiêm chủng”.

Trung tâm y tế dự phòng là điểm tiêm phòng lớn nhất của tỉnh nhưng khu vực tiêm chủng khá chật hẹp, mỗi sáng có hàng trăm người bế con ngồi chờ đến lượt. Chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) đưa con trai 17 tháng tuổi đi tiêm phòng viêm gan B. Sau khi đăng ký, đóng tiền và ngồi đợi, gần 30 phút sau, nghe đọc tên, chị Ngọc vội vã bế con vào phòng tiêm. Chưa đầy 2 phút, cháu bé đã được tiêm xong, chị vội vã bế cháu ra về. Khi được hỏi: “Sao chị không để cháu ở lại theo dõi phản ứng sau tiêm như thông báo dán trên tường của trung tâm”, chị Ngọc trả lời: “Chật chội, nóng bức thế này, ở làm gì cho khổ mẹ khổ con”.

Tìm hiểu một số khâu quan trọng, như: khám phân loại bệnh, tư vấn và các bước kiểm tra vaccine tại đây, chúng tôi được bác sĩ Vũ Duy Thiện, cán bộ tư vấn khẳng định: “Những người đến tiêm chủng đều được tư vấn”. Song, ghi nhận từ thực tế cho thấy, khâu khám phân loại bệnh được bỏ qua. Khâu tư vấn trước tiêm thường là hỏi tên, tuổi, các loại bệnh cần tiêm phòng…

Còn tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, dù có phòng tiêm chủng dịch vụ riêng, nhưng lúc đông, việc tiêm chủng tràn sang cả phòng khám bệnh dịch vụ. Đông đúc,  chật chội nên một số khâu cũng được giản lược như ở các điểm tiêm khác.

* Tăng nguy cơ biến chứng

Chị Phan Ngọc Hà ở phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa), cho biết: “Trước kia tôi thường cho con đi tiêm chủng ở trạm y tế phường, nhưng ít khi  được nghe tư vấn cụ thể về các bước an toàn nên tôi đã quyết định đưa con lên Bệnh viện nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để tiêm. Dù đông nhưng họ thực hiện rất đúng quy trình, từ khám phân loại, cân trọng lượng, đo nhiệt độ, rà soát sổ tiêm chủng để biết trẻ đã tiêm những  vaccine  nào, mũi thứ mấy, thời điểm tiêm gần nhất để tránh tình trạng vaccine “đá” nhau...”.  Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con đi tiêm ở những điểm tiêm chủng như thế.

Mới đây, tại buổi giám sát công tác tiêm chủng tại Đồng Nai, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo: “Dù có những vụ việc đáng tiếc sau tiêm chủng, nhưng cha mẹ vẫn nên tuân thủ lịch tiêm chủng của trẻ. Đây chính là phương pháp phòng bệnh chủ động, có hiệu quả, giảm được tử vong và giảm đáng kể phí tổn khi mắc bệnh phải điều trị”.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và nó chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, tại nhiều điểm tiêm phòng ở Đồng  Nai, việc cắt xén quy trình tiêm chủng đang diễn ra phổ biến và được nhân viên y tế coi là bình thường. Điều đáng nói, người “tiếp tay” cắt xén quy trình này lại chính là phụ huynh khi họ bỏ qua quyền được tư vấn,  kiểm tra tình trạng sức khỏe trước tiêm, kiểm tra thông tin và tác dụng của loại vaccine, liều lượng, hạn sử dụng vaccine mà con em mình được tiêm…

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh và vaccine - sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), thừa nhận: “Quy trình an toàn tiêm chủng cần được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhiều điểm tiêm chủng ở các tuyến do điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu nguồn nhân lực, người dân thiếu kiến thức về tiêm chủng nên công tác tiêm chủng còn chưa được như mong muốn”.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều