Là con út trong gia đình có 5 chị em, lúc sinh ra, Nguyễn Kim Đồng (24 tuổi, ngụ ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) cũng lành lặn như bao người khác. Nhưng rồi, một tai nạn do pháo nổ khi lên 5 tuổi đã vĩnh viễn không cho anh có cơ hội được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Là con út trong gia đình có 5 chị em, lúc sinh ra, Nguyễn Kim Đồng (24 tuổi, ngụ ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) cũng lành lặn như bao người khác. Nhưng rồi, một tai nạn do pháo nổ khi lên 5 tuổi đã vĩnh viễn không cho anh có cơ hội được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Không đầu hàng số phận, người thanh niên kém may mắn này đã vượt qua những trở ngại về thị giác để trở thành nhạc công. Chứng kiến cách anh sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, từ cổ truyền (đàn nhị, bầu, sến), đến hiện đại (guitar, organ) nhiều người đã không khỏi khâm phục.
* Học để vươn lên
Anh Kim Đồng cho biết: “Thời gian đầu bị tai nạn, tôi luôn sợ hãi khi phải sống trong bóng tối. Cũng có thể do bị ám ảnh bởi tai nạn, nên mỗi tiếng động lớn cũng làm tôi giật thót người và hoảng sợ. Thế rồi, một lần được cùng mẹ đi dự tiệc của một gia đình trong xã, khi lắng nghe những âm thanh phát ra từ cây guitar, tôi cảm thấy rất thích thú và xin được theo học”.
Anh Kim Đồng (phải) hướng dẫn cách chơi đàn organ cho học trò Huỳnh Văn Sanh (ngụ xã Phước Tân, TP,Biên Hòa) tại nhà. Ảnh: V. Truyên |
“Tuy nhiên, lúc đầu chẳng ai chịu nhận một người như thằng Kim Đồng. Bởi theo họ, không phải người sáng mắt nào muốn học đàn là có thể theo học được, huống hồ là người như con tôi. Thấy cháu bị nhiều nơi từ chối, nhưng vẫn một mực đòi theo học đàn, gia đình kiên trì tìm kiếm một nơi chịu nhận Kim Đồng vào học. Và điều may mắn đã đến khi thầy Trần Công Toại, một nhạc công cùng huyện đồng ý nhận Kim Đồng vào lớp dạy nhạc của thầy” - ông Nguyễn Văn Thuận, cha của anh Kim Đồng kể lại.
Thương cậu học trò tật nguyền mà ham học, mỗi ngày thầy Trần Công Toại đều phải đến tận nhà và đàn đi đàn lại một đoạn ngắn để Kim Đồng ghi nhớ và tập theo. Ông kể: “Những ngày đầu việc học đàn đối với Kim Đồng vô cùng khó khăn, vất vả và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể chơi thành thạo một đoạn nhạc ngắn. Cách học của Kim Đồng cũng thật khác những học trò bình thường, đó là lắng tai nghe và sau đó bắt chước để đánh lại. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, người học trò khiếm thị này đã có thể chơi thành thạo nhiều bản nhạc với các cấp độ đơn giản hay phức tạp khác nhau”.
Ngoài chơi đàn thành thạo, Kim Đồng còn biết sử dụng máy vi tính với sự hỗ trợ của phần mềm hướng dẫn bằng âm thanh để truy cập mạng. Anh còn sử dụng điện thoại di động một cách thành thạo như người bình thường.
* Thành trụ cột gia đình
Sau nhiều năm theo học, năm 2009, Kim Đồng có thể sử dụng thành thạo được nhiều loại nhạc cụ, chơi được nhiều bản nhạc theo yêu cầu. Biết được khả năng này của anh, những người trong ấp, xã tìm đến mời anh chơi đàn tại các đám tiệc. “Số tiền nhận được từ lần đi sô đầu tiên đến với tôi cách đây 4 năm. Lúc đó, sau một buổi kéo đàn nhị tôi được chủ nhà trả tiền thù lao hơn 200 ngàn đồng. Dù không nhìn thấy tiền nhưng tôi cảm thấy vừa run vừa mừng. Kể từ lần đó, tuần nào cũng có người mời tôi đi chơi đàn” - anh Kim Đồng nói.
“Dù là người tàn tật hay may mắn được lành lặn về thân thể, tất cả đều phải được tôn trọng và bản thân mỗi người cần phải cố gắng và nỗ lực để không là gánh nặng, mà ngược lại hoàn toàn có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình, có ích cho xã hội” - anh Nguyễn Kim Đồng chia sẻ. |
Tiền kiếm được từ các buổi biểu diễn, Nguyễn Kim Đồng đã tích cóp và cất được căn nhà cấp 4 khang trang, khá đầy đủ tiện nghi. Nhiều năm nay, nguồn sống chính của gia đình cũng đều nhờ vào một tay của Kim Đồng. Hiện anh đã có một gia đình nhỏ cho riêng mình. “Có gia đình, trách nhiệm của người đàn ông lại càng thêm nặng gánh. Nhưng để có thể chăm lo tốt cho cha mẹ và vợ con, tôi phải cố gắng làm thật tốt những gì mà bản thân có thể làm được” - anh Kim Đồng chia sẻ.
Văn Truyên