Vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), chàng trai 21 tuổi Cao Xuân Hiệp (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) phát hiện mình bị bệnh ung thư máu. Từ đây, cả gia đình Hiệp bắt đầu một hành trình đầy gian nan để mong tìm lại sự sống…
Vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), chàng trai 21 tuổi Cao Xuân Hiệp (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) phát hiện mình bị bệnh ung thư máu. Từ đây, cả gia đình Hiệp bắt đầu một hành trình đầy gian nan để mong tìm lại sự sống…
“…Xin hãy giúp em tôi đang ở ngưỡng của sự sống và cái chết có thêm cơ hội để nếm trải cuộc sống dù ngắn ngủi đi nữa…” - chị Cao Thị Nguyệt, chị gái Hiệp (đang học cao học tại Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) đã tâm sự như vậy trên một trang mạng xã hội về tình trạng bệnh của em mình. Và tâm sự này đã làm lay động trái tim của không ít người, đặc biệt là với những bạn trẻ.
* Tìm lại sự sống
Cao Xuân Hiệp là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em. Gia đình thuộc diện nghèo của xã nhưng 4 chị em Hiệp vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Tháng 6-2012, khi vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành điện tử với nhiều hoài bão tốt đẹp, Hiệp phát hiện bị “ung thư máu cấp tính dòng tủy” và sức khỏe của Hiệp xuống dốc từng ngày.
Em Cao Xuân Hiệp trò chuyện với người thân qua đường dây điện thoại từ phòng vô trùng tuyệt đối của Bệnh viện truyền máu và huyết học. Ảnh: P. Liễu |
Theo các bác sĩ của Bệnh viện truyền máu và huyết học TP.Hồ Chí Minh, các tế bào ung thư ác tính của Hiệp đã xâm lấn đến 90% cơ thể. Hiệp chỉ có thể sống được 1-2 tháng nếu không được hóa trị, và sống được không quá 2 năm nếu hóa trị mà không được ghép tế bào gốc. Chi phí điều trị cho ca ghép tế bào gốc lên tới gần 1 tỷ đồng. Đây là khoản tiền quá lớn đối với một gia đình nghèo.
Cao Xuân Hiệp là bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Ca ghép thành công khi mảnh ghép tế bào gốc đã mọc và phát triển tốt trong cơ thể bệnh nhân. |
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyệt cho biết: “Hiệp vốn là đứa ít nói. Khi biết sự thật về căn bệnh của mình và khoản chi phí khổng lồ ấy, nó chỉ im lặng và buồn, ai hỏi gì cũng khẽ gật, lắc đầu. Nằm viện tuần thứ hai, Hiệp bắt đầu tập làm quen và chấp nhận căn bệnh của mình. Nó vui vẻ trở lại, nhưng không muốn ở một mình vì sợ bất ngờ ra đi mà không có người thân bên cạnh”.
* Hành trình còn gian nan…
Để có cơ sở thực hiện ca cấy ghép này, Hiệp phải điều trị ung thư bằng hóa trị 6 tháng nhằm khống chế sự xâm lấn của các tế bào ung thư ác tính. Trong suốt thời gian đó, bệnh viện đã tiến hành hàng chục ca xét nghiệm kỹ thuật cao để chọn ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Chị Cao Thị Nguyệt - người cho mảnh ghép tế bào gốc tạo máu đang nấu cháo cho em trai từ phòng trọ gần bệnh viện. Ảnh: P. Liễu |
Bác sĩ Lê Thanh Chang, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện truyền máu và huyết học TP.Hồ Chí Minh, người trực tiếp cấy ghép và điều trị bệnh cho Hiệp, nói: “Cái khó là phải tìm được mảnh tế bào gốc thuận hợp với bệnh nhân. Rất may là cả 3 chị em của bệnh nhân đều có tế bào gốc thuận hợp với bệnh nhân, trong đó có 2 người nửa thuận hợp và người em gái là thuận hợp hoàn toàn. Song, trong phương pháp cấy ghép tế bào gốc, nếu chọn tế bào thuận hợp hoàn toàn thì tỷ lệ thải ghép thấp hơn, ghép dễ hơn, nhưng khả năng tái phát bệnh cao hơn; còn với tế bào nửa thuận hợp, tỷ lệ thải ghép cao hơn, nhưng khả năng bệnh ung thư tái phát thấp hơn. Chính vì thế, hội đồng khoa học của bệnh viện đã quyết định chọn ghép tế bào gốc nửa thuận hợp lấy từ chị gái của bệnh nhân”.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện truyền máu và huyết học cho biết: “Ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HLA là một kỹ thuật mới được áp dụng trên thế giới. Kỹ thuật này được hiểu là người cho mảnh ghép tế bào gốc chỉ cần hợp một nửa gen với người nhận thay cho trước đây, mảnh tế bào gốc từ người cho phải phù hợp hoàn toàn hoặc ít nhất là phù hợp 80-90% mới cấy ghép được. Kỹ thuật này mở ra hướng điều trị mới cho những bệnh nhân ung thư máu có nguy cơ tái phát cao, bị tái phát trong hóa trị, kháng với hóa trị ung thư. Tại châu Á, mới chỉ có 3 quốc gia thực hiện được kỹ thuật này là Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore”. |
Riêng việc lấy tế bào gốc, chị Nguyệt đã được thực hiện hàng chục ca xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe. Việc thu thập, xử lý tế bào gốc tạo máu từ người cho được tiến hành trong 20 ngày. 9 giờ 30 ngày 25-4, mẫu tế bào gốc được giải đông trong điều kiện vô trùng tuyệt đối đã được truyền ghép cho Hiệp qua đường tĩnh mạch trung tâm. Sau một tháng theo dõi, mảnh ghép tế bào gốc đã mọc và phát triển tốt trong cơ thể Hiệp. Hiện Hiệp đang tiếp tục theo dõi những tác dụng phụ lên gan, thận, tim và phổi sau ca ghép. Khoảng 6 tháng đến 1 năm, nếu không có hiện tượng thải ghép thì coi như Hiệp khỏi bệnh hoàn toàn.
Hiện nay, Hiệp vẫn đang được điều trị chống thải ghép với chi phí khoảng 2 triệu đồng/ngày và phải điều trị từ 6 tháng đến 1 năm. Gia đình Hiệp còn đang nợ bệnh viện số tiền hơn 300 triệu đồng, trong khi đó, kỹ thuật cấy ghép cùng nhiều xét nghiệm thuộc loại chuyên biệt nằm ngoài danh mục nên không được bảo hiểm y tế thanh toán. Gia đình Hiệp đã bán tất cả những gì có thể, kể cả căn nhà đang ở để lo trả nợ. Vì thế, hành trình lấy lại sự sống cho Hiệp vẫn còn gian nan ở phía trước…
Từ phòng vô trùng khoa cấy ghép tế bào gốc của Bệnh viện truyền máu và huyết học TP. Hồ Chí Minh, Hiệp chat với chúng tôi: “Sức khỏe em đang hồi phục. Em thấy khỏe hơn lúc chưa được cấy ghép. Có lại cuộc đời thứ hai là điều kỳ diệu. Điều đó đến từ các bác sĩ, gia đình và những người hảo tâm đã mở tấm lòng để em có được chi phí thực hiện ca cấy ghép này…”. |
Phương Liễu