Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày thứ 2 thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013: Đề thi phân loại học sinh

10:06, 03/06/2013

Tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013, ngày 3-6, thí sinh thi 2 môn Địa lý và Sinh học. Đề thi hai môn này được đánh giá là không quá khó nhưng lại mang tính phân loại học sinh rõ rệt.

Tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013, ngày 3-6, thí sinh thi 2 môn Địa lý và Sinh học. Đề thi hai môn này được đánh giá là không quá khó nhưng lại mang tính phân loại học sinh rõ rệt.(Xem Video clip)

Cả 4 câu trong đề thi môn Địa lý đều nằm trọn trong chương trình sách giáo khoa và nội dung ôn tập. Tuy vậy, nếu học sinh không để ý kỹ sẽ không làm được bài.[links(right)]

* Phải nắm tình hình thời sự

Cô Quỳnh Liên, giáo viên môn Địa lý Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, nhận xét: “Để đạt được 5 điểm bài thi rất dễ. Các em chỉ cần nêu được những ý chính, ngắn gọn có trong chương trình sách giáo khoa. Câu 2 nằm ngay trong bài 26 nhưng nhiều em rất dễ mất điểm vì chỉ chú ý đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế chứ ít chú ý đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ. Đề thi có đầy đủ yêu cầu về kỹ năng: thuộc bài, đọc Atlats, vẽ biểu đồ và kiến thức xã hội thực tế”.

Học sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) trao đổi với cô hiệu trưởng trường này sau khi thi môn Sinh học. Ảnh: H. Dung
Học sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) trao đổi với cô hiệu trưởng trường này sau khi thi môn Sinh học. Ảnh: H. Dung

Em Nguyễn Ngọc Đan Khanh (Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Biên Hòa), cho hay: “Các câu hỏi không lắt léo, đánh đố nên em làm bài tốt. Riêng ý 1 câu 3 về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo, em thấy rất thú vị. Em đã nêu lên sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước khác để giúp đỡ lẫn nhau, tìm được tiếng nói chung”.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay: Trong ngày thi thứ 2, trừ 1 trường hợp thi hộ bị đình chỉ thi tại huyện Tân Phú, còn lại tất cả các hội đồng trong tỉnh, công tác coi thi, tuân thủ các quy định phòng thi đều diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Tình trạng lộn xộn, mất trật tự ngoài cổng hội đồng thi cũng không xảy ra.

Sau môn thi thứ 4, toàn tỉnh có 65 trường hợp thí sinh bỏ thi (14 trường hợp hệ  THPT, 51 trường hợp hệ GDTX), 112 thí sinh bảo lưu kết quả môn Địa lý, 90 thí sinh bảo lưu môn Hóa học và 61 trường hợp bảo lưu môn Ngữ văn.

Hôm nay 4-6, ngày thi cuối cùng, thí sinh thi môn Toán và Tiếng Anh. 3 trường thi môn Vật lý thay thế môn Tiếng Anh, gồm: Đắk Lua, Huỳnh Văn Nghệ và Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

Cô Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà, cho rằng đề thi môn Địa lý mang tính phân loại học sinh khá, giỏi rõ rệt. Các em không chỉ phải nắm vững được kiến thức trong sách vở mà còn phải thường xuyên theo dõi tình hình đất nước qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, thầy Tạ Thành Lãm, giáo viên môn Sinh học Trường THPT Văn Hiến (TX. Long Khánh), cho hay: “Đề thi môn Sinh học bám sát chương trình học, đúng trọng tâm, học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm. Bên cạnh đó, đề thi còn có những câu khó để phân loại học sinh. Vì vậy, để đạt điểm 10 bài thi môn này không phải đơn giản”.

* Phát hiện một trường hợp thi hộ

Trong ngày thi thứ 2, tại hầu hết các hội đồng thi trong tỉnh không còn xảy ra tình trạng thí sinh đi trễ giờ hay quên giấy tờ. Công tác giữ gìn an ninh trật tự được đảm bảo. Tuy nhiên, trong buổi thi môn Địa lý, tại Hội đồng thi Trường THCS Quang Trung (huyện Tân Phú) đã phát hiện trường hợp Nguyễn Văn Chung (21 tuổi) thi hộ cho em ruột.

Thí sinh xem lại Atlats sau khi thi môn Địa lý tại Hội đồng thi THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom). Ảnh: V. Truyên
Thí sinh xem lại Atlats sau khi thi môn Địa lý tại Hội đồng thi THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom). Ảnh: V. Truyên

Ông Võ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Định Quán, Chủ tịch Hội đồng thi, cho biết trong lúc làm thủ tục cho thí sinh vào thi môn Địa lý, cán bộ coi thi thấy thí sinh Nguyễn Văn Chung có nhiều dấu hiệu khả nghi nên đã đối chiếu ảnh và phát hiện Chung thi hộ cho em ruột của mình là Nguyễn Văn Hùng (18 tuổi) - thí sinh tự do của Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú. Tại cơ quan công an, bước đầu Chung khai nhận đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, thấy em trai có nguy cơ thi rớt nên về thi hộ...

* Cô Trần Thị Yến Thu, giáo viên Trung tâm GDTX huyện Định Quán: Đề thi Địa lý năm nay hay hơn năm trước vì đã đề cập đến vấn đề biển Đông. Với loại đề thi này, đòi hỏi các em ngoài kiến thức nền còn cần thêm khả năng tư duy tốt và thường xuyên cập nhật các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế.

* Em Quỳnh Anh, thí sinh Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch): Em khá hài lòng với kết quả làm bài của mình qua 2 ngày thi.  Với đề thi môn Sinh học, em cho rằng vừa sức, kiến thức nằm trong chương trình học, thậm chí còn dễ hơn đề thi thử và thi học kỳ II ở trường. Còn 2 môn ở ngày thi thứ ba, nếu đề thi cứ ra “bình bình” thế này, có lẽ điểm số kỳ thi của tụi em rất khả quan.

* Ông Đào Văn Khởi (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa):   Việc đưa vấn đề biển đảo vào đề thi môn Địa lý đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước - có trách nhiệm và bổn phận bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của lớp trẻ về vấn đề biển đảo.

 

Nhóm PV VH-XH

 

 

 

 

Tin xem nhiều