Là người điếc đầu tiên ở Việt Nam được nhận học bổng Kỹ năng lãnh đạo điếc thế giới của Trường đại học Gallaudet (Hoa Kỳ), cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Trần Thủy Tiên có cơ hội để thực hiện hoài bão vẫn hằng nung nấu.
Là người điếc đầu tiên ở Việt Nam được nhận học bổng Kỹ năng lãnh đạo điếc thế giới của Trường đại học Gallaudet (Hoa Kỳ), cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Trần Thủy Tiên có cơ hội để thực hiện hoài bão vẫn hằng nung nấu.
Luôn luôn khiêm tốn, tận tụy giúp đỡ bạn bè cùng hoàn cảnh, Thủy Tiên nhận được nhiều lời khen ngợi, nể phục về tinh thần vươn lên trong cuộc sống từ bạn bè, thầy cô. Những khó khăn mà Thủy Tiên gặp phải dường như trở thành động lực để cô bước những bước xa hơn.
* Không đầu hàng
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, cha của Thủy Tiên cho biết: Thủy Tiên sinh năm 1984, ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Khi mới sinh ra, Thủy Tiên vẫn nghe được bình thường. Đến tháng thứ 3, đằng sau gáy của Thủy Tiên xuất hiện một cái bướu máu. Gia đình đưa Thủy Tiên vào Bệnh viện nhi đồng 2 để mổ. Về nhà, mãi đến tháng thứ 6, gia đình mới phát hiện Thủy Tiên không thể nghe được nữa. Bác sĩ nói em bị liệt dây thần kinh thính giác và bị câm từ đó.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh trao học bổng cho Thủy Tiên (giữa). |
5 tuổi, Thủy Tiên đi học tại Trường tiểu học Hy Vọng (quận Bình Thạnh), sau đó chuyển lên học ở Trường đại học Đồng Nai từ lớp 7. Tất cả các năm học, Tiên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Với nỗ lực không ngừng, cô thi đậu vào Khoa công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng. Đang học dở năm 2, Tiên chuyển qua học ở Trường đại học Đồng Nai, Khoa cao đẳng tiểu học dành cho người khiếm thính. Tại đây, Thủy Tiên cùng với các sinh viên khiếm thính khác gia nhập Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc của trường.
Qua ngôn ngữ ký hiệu, Thủy Tiên cho biết: “Ở đây, tôi được tiếp xúc, học tập, vui chơi cùng với những bạn cùng hoàn cảnh. Chúng tôi giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Các thầy cô trong khoa luôn tận tình giúp đỡ, chỉ bảo để chúng tôi có cơ hội học tập tốt nhất. Mặc dù không nghe được, không nói được nhưng chúng tôi hiểu nhau qua ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ, hành động và ánh mắt”.
* Hành trình giành học bổng
Cô Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, tự hào: Thủy Tiên học rất giỏi, phần lớn là tự học, tự nghiên cứu. Để giành học bổng này, Thủy Tiên phải được 3 người có uy tín giới thiệu tới Quỹ học bổng; có thành tích học tập xuất sắc, có 1 dự án tham gia và cam kết quay trở về phục vụ đất nước khi học xong thạc sĩ.
Hàng năm, Trường đại học Gallaudet chỉ chọn 1 sinh viên để trao học bổng này. 3 năm trở lại đây, mỗi năm họ chọn 2 người để đào tạo chuyên sâu lên thạc sĩ và có thể lên tiến sĩ. Thủy Tiên cùng 1 người khiếm thính Hy Lạp xuất sắc vượt qua 30 ứng cử viên khác trên thế giới để dành học bổng này. Thủy Tiên tham gia với dự án “ Cải thiện tình hình giáo dục dành cho người điếc Việt Nam bằng việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”. Dự án này được hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi tính sáng tạo, khả năng áp dụng thực tiễn cao.
Gallaudet là trường đại học đầu tiên trên thế giới dành cho người khiếm thính. Được thành lập năm 1864 tại Mỹ, Gallaudet là nơi để người điếc ở nước Mỹ và một số ít sinh viên điếc nhận học bổng từ các nước học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng về ngôn ngữ ký hiệu. Năm 1988, trường có người điếc đầu tiên làm hiệu trưởng. Kể từ năm 1993 đến nay, trường đã trao học bổng cho 180 sinh viên đến từ 50 quốc gia trên thế giới. |
Học bổng toàn phần trị giá 117 ngàn USD trong thời gian 3 năm (từ tháng 9- 2013 đến tháng 9- 2016). Năm đầu tiên, Thủy Tiên được dạy tiếng Anh để thi, đạt trình độ TOEFL. 2 năm sau, Thủy Tiên được học những môn chuyên sâu về ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính toàn thế giới, đặc biệt là ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính ở Việt Nam. Sau khi học xong, Thủy Tiên sẽ quay trở về làm giảng viên dạy ngôn ngữ ký hiệu ở Trường đại học Đồng Nai. Cô cũng có thể là trợ lý cho Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, tiếp tục thực hiện các dự án giúp đỡ người khiếm thính hòa nhập cộng đồng.
“Là người khiếm thính Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng thạc sĩ danh giá, tôi thật sự rất vui mừng. Tôi biết, phía trước có rất nhiều khó khăn, thử thách, như: ngoại ngữ, văn hóa, phong tục… Bởi thế, tôi đang chuẩn bị cho mình thật nhiều kiến thức bằng cách học thêm ngoại ngữ và nhờ các thầy cô giáo chỉ dẫn. Tôi hy vọng sẽ học được nhiều kỹ năng hay, hữu ích hơn nữa để đem về truyền đạt cho các bạn khiếm thính ở Việt Nam”, Thủy Tiên chia sẻ.
Hạnh Dung