Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện vệ tinh: Thêm cơ hội, nhiều thách thức

10:06, 23/06/2013

Nhiều bệnh viện chuyên khoa sâu, bệnh viện đa khoa đầu ngành đã và đang xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh (BVVT) tại nhiều tỉnh, thành nhằm giảm áp lực quá tải.

Nhiều bệnh viện chuyên khoa sâu, bệnh viện đa khoa đầu ngành đã và đang xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh (BVVT) tại nhiều tỉnh, thành nhằm giảm áp lực quá tải.

Trong số 15 đề án BVVT của cả nước được Bộ Y tế triển khai trong năm 2013 này, Đồng Nai có 4 đề án vệ tinh cho 3 bệnh viện lớn, gồm: Chợ Rẫy, Ung bướu và Nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).

* Từ nhu cầu thực tiễn…

Bác sĩ  Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Thời gian qua, mặc dù bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới nhưng vẫn chưa làm chủ được những kỹ thuật phẫu thuật tim mạch và niệu thận phức tạp. Vì thế, số ca bệnh chuyển tuyến trên còn khá nhiều. Khi trở thành vệ tinh chuyên khoa tim mạch cho Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật và điều trị tại chỗ với chất lượng tương đương với bệnh viện hạt nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ tử vong, giảm chi phí điều trị, thời gian đi lại của bệnh nhân và người nhà…”.

Khoa niệu thận của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là vệ tinh của Bệnh viện nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).
Khoa niệu thận của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là vệ tinh của Bệnh viện nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).

Theo đề án, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trở thành vệ tinh của Bệnh viện nhi đồng 2. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, quá trình điều trị, tử vong và chuyển tuyến, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã được chọn làm vệ tinh ở chuyên khoa: ngoại nhi, nội nhi, sơ sinh, hồi sức và dinh dưỡng. Trong đó, tập trung cho ngoại thần kinh và ngoại tiết niệu.

6 tiêu chí lựa chọn bệnh viện vệ tinh

 - Bệnh viện phải có tầm ảnh hưởng với các bệnh viện lân cận;

- Mật độ dân cư đông, giao thông thuận lợi; có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực chuyên môn;

- Đủ khả năng phát triển thành vệ tinh theo yêu cầu chuyên môn của chuyên khoa được lựa chọn;

- Có sự cam kết và quyết tâm tham gia thực hiện đề án của lãnh đạo tỉnh và ngành;

- Các điều kiện khác theo yêu cầu đặc thù của chuyên khoa vệ tinh.

Riêng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trở thành vệ tinh của 2 bệnh viện: Chợ Rẫy và Ung bướu. Bác sĩ Nguyễn Long Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cho biết: “Mỗi năm Đồng Nai phát hiện hơn 1 ngàn người bị ung thư nên nhu cầu điều trị ung thư cũng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, bệnh viện đã có khoa y học hạt nhân, có máy điều trị ung thư, cơ sở vật chất khang trang, ổn định… Việc trở thành vệ tinh cho Bệnh viện ung bướu là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cho người dân”.

Bà Nguyễn T.N., 53 tuổi, ở xã Phú Cường (huyện Định Quán), đang điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Hiện nay một số loại thuốc hóa trị chưa có ở Đồng Nai nên cứ 3 tháng tôi phải lên Bệnh viện ung bướu để hóa trị một lần. Tôi đi lại tốn kém, vất vả chờ đợi rất khổ. Nếu được điều trị ở Đồng Nai với chất lượng tương đương với Bệnh viện ung bướu thì tốt cho người bệnh biết chừng nào”.

* Cơ hội đi cùng thách thức…

Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “3 bệnh viện của Đồng Nai được chọn làm BVVT cho một số bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành là một cơ hội và cũng là thách thức của ngành y tế Đồng Nai. Theo đó, khi trở thành BVVT, các bệnh viện địa phương sẽ có cơ hội được đào tạo chuyên môn sâu, được cùng hợp tác nghiên cứu và chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, được hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi cùng thách thức, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng của tỉnh”.

TS.BS. Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng 2, cho biết: “Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50% số bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành, trong đó bệnh nhi là người Đồng Nai đến khám và điều trị bệnh chiếm 1/5 trong số này. Việc lập bệnh viện vệ tinh tại 4 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) ngoài việc giảm sức ép quá tải, còn là hoạt động nâng cao chất lượng cho các bệnh viện tuyến dưới”.

Cụ thể, theo đề án BVVT, khoa tim mạch của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất sẽ được đầu tư trở thành Trung tâm tim mạch can thiệp với tổng đầu tư trên 100 tỷ đồng; đề án vệ tinh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai với 5 chuyên khoa sẽ cần số vốn hơn 40 tỷ đồng;  3 khoa vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng cần gần 40 tỷ đồng.

Song, không chỉ khó khăn về nguồn vốn đối ứng mà các BVVT còn phải đáp ứng được yêu cầu từ bệnh viện hạt nhân. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện ung bướu, cho biết: “Mục tiêu của bệnh viện khi xây dựng hệ thống BVVT tại 5 tỉnh, thành là nhằm giảm bớt sức ép quá tải tại bệnh viện. Bởi hiện nay, hơn 70% bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện ung bướu là ở các tỉnh, thành phố khác đến, trong đó bệnh nhân Đồng Nai khá đông. Trở thành  BVVT, các bệnh viện được hưởng nhiều quyền lợi, nhưng khó khăn cũng không kém, bởi phải đáp ứng được các chuẩn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của các thầy thuốc để tiếp nhận, triển khai và làm chủ được các kỹ thuật mà bệnh viện hạt nhân chuyển giao. Điều đó không hề đơn giản”.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều