1. Mới đây, có việc ghé vào quán cà phê ở TP. Biên Hòa, tôi nghe mấy em học sinh THCS nói chuyện mà buồn hiu hắt. Các em xưng hô với nhau có lúc là mày, tao; lúc lại ông, bà; lúc thì thằng nọ con kia; lúc lại mẹ, bố...
1. Mới đây, có việc ghé vào quán cà phê ở TP. Biên Hòa, tôi nghe mấy em học sinh THCS nói chuyện mà buồn hiu hắt. Các em xưng hô với nhau có lúc là mày, tao; lúc lại ông, bà; lúc thì thằng nọ con kia; lúc lại mẹ, bố... Cha mẹ được các em gọi là ông bà ấy, khi một em nói với bạn bè: “Ông bà ấy đi tối ngày, tao muốn làm gì tùy thích”. Càng sợ hơn vì mỗi lần nói là các em văng tục, chửi thề. Càng nghe, tôi lại càng giật mình vì ngôn ngữ của tuổi mới lớn. Cái cách mà các em xưng hô không được lịch sự và tế nhị đó chẳng sách vở hay trường học nào dạy cả.
2. Một người bạn là giáo viên đang theo học khóa nghiệp vụ ngắn hạn tại một trường đại học cho biết, anh và không ít người tỏ ra khó chịu mỗi lần có tiết dạy của cô giảng viên trẻ. Cô giảng viên trẻ tự cho mình cái quyền gọi học viên như thế nào thì tùy. Trong lớp, có nhiều đồng nghiệp lớn tuổi sắp về hưu, tuổi gấp đôi cô mà vẫn xưng hô với học viên là “các người” trong lúc giảng bài. Một cách xưng hô “tréo ngoe” ngay trong môi trường sư phạm khiến ai cũng lắc đầu, bất bình và thấy trái tai.
3. Người xưa thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”…Văn hóa xưng hô trong giao tiếp được nhiều người nói đến với mục đích hướng đến sự tốt đẹp trong ứng xử hàng ngày. Người có văn hóa giao tiếp là người thể hiện đúng những chuẩn mực trong xưng hô. Đó là sự đúng mực, lịch sự, khéo léo, khiêm nhường, ngôn từ khi dùng phải đúng đối tượng, biết tôn trọng, tuân theo các quy ước xã hội và văn hóa của người Việt.
Hồng Đào