Đồng Nai hiện mới chỉ có chưa đến 30% số trường học đủ điều kiện dạy và học 2 buổi/ngày. Vì thế, tại những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nhu cầu dạy thêm và học thêm, nhất là ở bậc tiểu học là rất lớn.
Đồng Nai hiện mới chỉ có chưa đến 30% số trường học đủ điều kiện dạy và học 2 buổi/ngày. Vì thế, tại những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nhu cầu dạy thêm và học thêm, nhất là ở bậc tiểu học là rất lớn.
Trên địa bàn TP.Biên Hòa, hiện có 43/51 trường tiểu học đăng ký quản lý giữ trẻ. 1.364 giáo viên trông coi 28.500 học sinh, chiếm hơn 1/3 tổng số học sinh tiểu học toàn thành phố. Nếu thực hiện đúng theo Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về “Cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học”, phụ huynh học sinh sẽ khốn đốn vì không biết gửi con ở đâu.
* Nhu cầu lớn
Mới đây, khi Bộ GD-ĐT vào Đồng Nai kiểm tra về việc dạy thêm học thêm, giáo viên đã đồng loạt ngừng giữ trẻ tại nhà và điều này đã gây nên sự xáo trộn lớn đến cuộc sống của nhiều gia đình. Chị Phạm Nguyệt Hoa, có 2 con học lớp 3, 4 Trường tiểu học Long Thành A (thị trấn Long Thành), cho biết: “Chúng tôi đều là dân kinh doanh, nếu không thể gửi con cho cô giáo sau mỗi buổi học thì rất khốn đốn bởi ông bà đã già yếu không thể trông được cháu, trong khi gửi nhà cô vừa an toàn vừa được củng cố kiến thức”.
Học sinh lớp 12, Trường TH - THCS-THPT Bùi Thị Xuân, học thêm buổi tối môn Ngữ văn tại trường. Ảnh: H. Dung |
Ở bậc THCS, có tới trên 50% học sinh đăng ký học thêm và trên 52% giáo viên đăng ký dạy thêm. Các em học sinh khối lớp 8, 9 là đối tượng có nhu cầu học thêm rất lớn để chuẩn bị cho tuyển sinh vào lớp 10. “Kiến thức càng lên cao càng khó, có những bài học khi con cái hỏi, chúng tôi không biết trả lời ra sao. Chỉ mong con vừa đi học chính khóa, vừa học thêm để thầy cô chỉ bảo cho cháu” - phụ huynh Trịnh Văn Lai có con học Trường THCS Trảng Dài (TP. Biên Hòa) bày tỏ.
Quy đỊnh về dạy thêm ngoài nhà trường là cần thiết Bà Phạm Thị Lịch, một trong 8 cá nhân được Sở GD-ĐT cấp phép dạy thêm, học thêm cho hay: “Tôi mở 2 trung tâm dạy thêm với 3 giáo viên tham gia giảng dạy 3 môn: Anh văn, Sinh học và Hóa học. Đây đều là những giáo viên ở Trường THPT Long Thành. Hiện tại, chúng tôi đang chiêu sinh và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6-2013. Tôi nghĩ việc chấp hành đầy đủ mọi quy định mà UBND tỉnh và Sở đưa ra đối với các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường là hết sức cần thiết nhằm tăng cường kiến thức cho học sinh cũng như tăng nguồn thu chính đáng cho giáo viên”. |
Đối với những học sinh THPT, nhu cầu học thêm, dạy thêm là có thực. Em Hoàng Nhật Linh, lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh bộc bạch: “Hầu như các bạn trong lớp đều học thêm tại nhà thầy cô để học những kiến thức nâng cao chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Chúng em rất muốn học thêm với những thầy cô dạy giỏi và truyền đạt kiến thức sao cho dễ hiểu nhất. Học thêm giúp em hiểu biết thêm nhiều điều mà nội dung trong sách giáo khoa không có. Em nghĩ, để có thể đậu đại học với điểm số cao, học phụ đạo, học thêm là điều rất cần thiết”.
* Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Cô Phùng Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Thành, lo ngại: Cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, yếu nên không đủ đáp ứng học 2 buổi cho học sinh khối 10, 11. Bởi vậy, tình trạng giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường vẫn xảy ra. Tuy vậy, trường không thể quản lý vì các thầy cô giáo dạy thêm ngoài giờ lên lớp.
Cô Nguyễn Võ Đăng Lan, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đức Ứng, dạy thêm môn Anh văn tại cơ sở của thầy Nguyễn Thanh Tân (khu Phước Thuận, thị trấn Long Thành). |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Long Khánh, cho biết nhu cầu học thêm, dạy thêm ở địa phương chỉ xảy ra cục bộ ở một số điểm nhất định. Hiện tại, phòng đã cấp phép cho Trường THCS Nguyễn Trãi và THCS Hồ Thị Hương được dạy thêm trong trường vào buổi tối do không đủ cơ sở vật chất để dạy 2 buổi. Học sinh các trường lân cận có nhu cầu có thể đăng ký học thêm ở 2 trường này. Với một số trường hợp dạy thêm biến tướng ngoài nhà trường, phòng đã trao đổi, làm việc với chính quyền các phường, xã để cùng phối hợp nhắc nhở, xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm về chuyên môn cũng như hành chính của giáo viên.
Không được dạy thêm, học thêm ngày chủ nhật Mỗi lớp học thêm trong và ngoài nhà trường không được quá 45 em. Thời khóa biểu dạy thêm ban ngày không quá 4 tiết trong giờ hành chính, ban đêm dưới 3 tiết và kết thúc giờ học trước 21 giờ. Không dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật và những ngày lễ trong năm. Trong một ngày, mỗi học sinh tính chung học chính khóa và học thêm không quá 8 tiết. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường; giáo viên trực tiếp giảng dạy nhận 80% tổng số thu và 20% còn lại chi cho quản lý, mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm tại các cơ sở giáo dục. (Quyết định 25 của UBND tỉnh về việc dạy thêm, học thêm) |
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngày 26-4-2013, Quyết định số 25 của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Theo đó, giáo viên không được cắt giảm chương trình học chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Học sinh có nhu cầu thật sự, tự nguyện thì mới học thêm. Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Đến nay, Sở mới cấp 15 giấy phép dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Đây đều là những trường, cá nhân có uy tín trong ngành giáo dục, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất. Vừa qua, Sở đã tiến hành thanh kiểm tra, tạm đình chỉ hoạt động, phạt hành chính đối với 2 cá nhân tự ý mở lớp dạy thêm bên ngoài; cảnh cáo và thông báo trong toàn ngành với 2 giáo viên THPT vi phạm. Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với nhà giáo sẽ được Sở đặc biệt quan tâm. “Để tránh biến tướng trong dạy thêm, học thêm, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các Phòng GD-ĐT, nhà trường, giáo viên thực hiện nghiêm chỉnh quy định dạy thêm, học thêm theo Quyết định 25 của tỉnh” - ông Hoàng khẳng định.
Hạnh Dung