100% xã, phường, thị trấn của Đồng Nai đã có trạm y tế, trong đó, phần lớn các trạm được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu sản khoa. Tuy nhiên, số người đến sinh ở trạm y tế đang ngày càng ít đi, thậm chí có trạm y tế, phòng sinh chỉ còn tồn tại cho có...
100% xã, phường, thị trấn của Đồng Nai đã có trạm y tế, trong đó, phần lớn các trạm được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu sản khoa. Tuy nhiên, số người đến sinh ở trạm y tế đang ngày càng ít đi, thậm chí có trạm y tế, phòng sinh chỉ còn tồn tại cho có...
Nhà chị Nguyễn Thị Ngọc, 29 tuổi ngụ ở xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc), cách Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đến 60 km. Thế nhưng, khi sinh con chị vẫn tìm đến bệnh viện này “để yên tâm vì nói thực, tôi không tin tưởng chuyên môn ở các trạm y tế, dù nếu sinh ở đây, tôi sẽ thuận tiện hơn nhiều vì được gần nhà, đỡ tốn chi phí”.
* Chọn nơi an toàn
Cũng như chị Ngọc, nhiều sản phụ đã chọn sinh ở các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc chí ít là tuyến huyện cho yên tâm. Một số sản phụ khác lại chọn hẳn các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh, như: Từ Dũ, Hùng Vương, phụ sản quốc tế… để sinh với dịch vụ trọn gói lên đến vài chục triệu đồng/ca như chị Nguyễn Thị Kim Anh ở phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa). Dù từ nhà đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chỉ vài trăm mét, nhưng cả 2 đứa con chị đều được sinh tại Bệnh viện phụ sản quốc tế. Chị Kim Anh cho biết: “Sinh ở bệnh viện tư tuy tốn kém (trọn gói ca sinh mổ đến 36 triệu đồng), nhưng “tiền nào của nấy” họ chăm sóc sản phụ và em bé rất chu đáo”.
Phòng sinh ở trạm y tế xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) đã bỏ không mấy năm nay vì không có người đến sinh. Ảnh: P. Liễu |
Năm 2012, toàn tỉnh có gần 50 ngàn ca sinh, nhưng chỉ chưa đầy 150 ca sinh tại các trạm y tế, (chiếm 0,24%), trong đó huyện Long Thành có số ca sinh tại trạm y tế nhiều nhất là 24 ca; còn lại mỗi huyện chỉ từ 7-10.
* Thiếu tự tin trong chuyên môn
Không chỉ những trạm y tế ở các đô thị, những trạm gần bệnh viện mới ế người đến sinh, ngay cả những trạm ở vùng sâu, vùng xa, người dân cũng không mặn mà sinh tại trạm. Chẳng hạn, Trạm y tế xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cách bệnh viện đa khoa huyện gần 30 km, nhưng năm 2012 chỉ tiếp nhận được 7 ca sinh, chiếm 3,3% tổng số ca sinh của toàn xã. Nữ hộ sinh Tô Thị Tằm tâm sự: “Những ca sinh tại trạm thường là sinh con rạ, sinh dễ hoặc không kịp đi bệnh viện. Thú thực, dù được học hành bài bản, trạm được trang bị tương đối đầy đủ thiết bị nhưng tôi thấy thiếu tự tin khi vài tháng mới có một ca sinh tại trạm. Dần dần chắc… lụt nghề luôn”.
Mới đây, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã kiểm tra chuyên môn và trang thiết bị tại các trạm y tế để triển khai Chương trình Vì sự sống còn trẻ em. Kết quả khảo sát cho thấy, vẫn còn nhiều trạm y tế có bàn làm rốn trẻ sơ sinh chưa bảo đảm vô trùng như các trạm y tế: An Hòa (TP. Biên Hòa), Phú Điền (Tân Phú), Bình An (Long Thành); thiếu đèn sưởi ấm cho trẻ sơ sinh như các trạm y tế: An Hòa, Xuân Hiệp (Xuân Lộc), Bắc Sơn (Trảng Bom); không có hệ thống oxygen như trạm y tế xã An Hòa, Gia Kiệm (Thống Nhất); thiếu ống thông dạ dày, ống thông hậu môn, thiếu bóng, mặt nạ của trẻ sơ sinh ở phần lớn trạm y tế được khảo sát, như: Phú Vinh (Định Quán), Thừa Đức (Cẩm Mỹ), Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu), Phước Khánh (Nhơn Trạch)... |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng trạm Y tế xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) chia sẻ: “Dù là xã xa nhất, nghèo nhất của huyện, nhiều người nhà ở gần trạm nhưng hàng tháng vẫn ra Bệnh viện đa khoa Tân Phú hoặc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán để khám thai rồi sinh ở đó. Hiện ở Nam Cát Tiên, trạm y tế chưa tách ra khỏi phòng khám đa khoa, song cả 2 nơi mỗi năm chưa có đến chục ca sinh. Những ca đó phần lớn do không ra kịp bệnh viện”.
Theo chức năng, trạm y tế được khám, quản lý thai và đỡ đẻ những ca sinh thường. Gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu, cơ bản tại mỗi trạm y tế gồm 5 loại dịch vụ. Thế nhưng khảo sát mới đây của ngành y tế cho thấy, chỉ có 65% số trạm y tế cung cấp đủ gói 5 loại dịch vụ cấp cứu sản khoa; 11% số trạm y tế không cung cấp loại nào trong 5 loại dịch vụ trên dù 100% trạm y tế của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia y tế xã.
Riêng về chuyên môn thực hành đỡ đẻ của nữ hộ sinh tuyến trạm, bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Hiện chưa có trạm y tế nào có bác sĩ sản khoa. Việc đỡ đẻ do các nữ hộ sinh thực hiện. Với một số trạm có người đến sinh, nữ hộ sinh còn có cơ hội rèn luyện tay nghề; nhiều nơi cả năm mới đỡ 1-2 ca, thậm chí không đỡ ca nào nên nữ hộ sinh thiếu tự tin lắm!”.
Phương Liễu