Báo Đồng Nai điện tử
En

Những vết thương không lành (Bài 1)

09:05, 27/05/2013

Chiều 19-5, đang dọn cơm chiều cho cả nhà, cô chủ nhiệm lớp 1/4 Trường tiểu học Chu Văn An (xã Tân Hiệp, huyện Xuân Lộc) Trần Thị Hoàng bàng hoàng hay tin cậu học trò Nguyễn Lý Bằng bị chết đuối dưới hồ sâu hơn 4m ở ấp Việt Kiều. Vậy là tấm giấy khen học sinh tiên tiến cô chưa kịp trao cho em...

Chiều 19-5, đang dọn cơm chiều cho cả nhà, cô chủ nhiệm lớp 1/4 Trường tiểu học Chu Văn An (xã Tân Hiệp, huyện Xuân Lộc) Trần Thị Hoàng bàng hoàng hay tin cậu học trò Nguyễn Lý Bằng bị chết đuối dưới hồ sâu hơn 4m ở ấp Việt Kiều. Vậy là tấm giấy khen học sinh tiên tiến cô chưa kịp trao cho em...

 Trường hợp đuối nước của em Nguyễn Lý Bằng chỉ là một trong số hàng trăm nỗi đau từng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

* Nỗi đau còn mãi

Cách đây đúng 1 năm, cùng một lúc 5 đứa trẻ ngụ ấp 2B, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) thiệt mạng do đuối nước. Trong 5 đứa trẻ, có 3 em là con của chị Phạm Thị Hoa, gồm: Nguyễn Thị Thảo Vy (11 tuổi), Nguyễn Thị Yến Nhi (9 tuổi) và Nguyễn Trung Hậu (7 tuổi). Đến giờ chị Hoa vẫn chưa thể lấy lại được tinh thần. “Có đêm tôi mơ thấy các con về, thấy chúng đang vui đùa với nhau, nhưng khi tỉnh dậy tôi thẫn thờ trước thực tế 3 đứa con của mình đã chết” - chị Hoa nghẹn ngào.

Thực trạng trẻ em bị thiệt mạng do đuối nước tại Đồng Nai qua các năm.
Thực trạng trẻ em bị thiệt mạng do đuối nước tại Đồng Nai qua các năm.

Đối diện nhà chị Hoa là gia đình chị Phạm Thị Nhi, người có 2 con là Phạm Thị Phương Uyên và Phạm Tuấn Hiệp cũng  thiệt mạng cùng ngày với 3 chị em ruột Vy, Nhi, Hậu. Chị Nhi cho biết, cả năm qua, mái ấm của anh chị trở nên vắng vẻ. Vợ chồng chị không còn được nghe các con tíu tít trong mỗi bữa ăn hay đứa anh dạy đứa em học bài, giúp cha mẹ nấu ăn, giặt đồ... Chị Nhi kể lại: “Năm ngoái, mấy anh em nó vừa thi cuối năm xong, tôi tranh thủ về thăm quê. Mới về được mấy ngày thì nghe tin 2 anh em nó chết đuối cùng với 3 đứa trẻ hàng xóm khi đi mót hạt điều” . Chị xót xa nói: “Giá như năm ngoái tôi không về thăm quê thì chắc 2 con của tôi và 3 đứa trẻ hàng xóm đã không chết oan uổng như vậy”.

Chủ động trông coi con em trong dịp hè

Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội  - bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết: “Các vụ tai nạn đuối nước thường tập trung nhiều nhất vào thời gian học sinh được nghỉ hè ở nhà, nên phụ huynh chủ động trông coi con em  là tốt nhất. Những gia đình có điều kiện nên cho con em mình đi học bơi,  nhắc nhở con em không nên đi chơi một mình hoặc với bạn bè mà không có người lớn đi kèm. Ngoài tai nạn đuối nước thì các tai nạn khác, như: tai nạn giao thông, điện giật… cũng có thể xảy ra nhiều trong dịp hè”.

Cuối tháng 3 vừa qua, chị Hồ Yến Ly, ngụ KP2, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) có 2 người con là Nguyễn Hồ Xuân Quyên (9 tuổi) và Nguyễn Hồ Xuân Trang (7 tuổi) bị chết do đuối nước. Chung nỗi đau mất mát với chị Ly là chị Huỳnh Thị Lan, mẹ của nạn nhân Tạ Huỳnh Ngọc Thúy (7 tuổi) cùng bị thiệt mạng với Quyên và Trang. Chị Ly kể lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 23-3, tôi đang làm việc tại Công ty Pouchen (xã Hóa An) thì nhận được hung tin 2 trong 3 đứa con của mình là Quyên và Trang đã chết do đuối nước ở sông gần nhà”. Chị bảo, sau khi làm đám cho con, chị không dám thờ ở nhà mà hỏa táng rồi gửi  lên chùa, hàng tuần lên đó thắp nhang. “Nếu nhìn thấy di ảnh con trên bàn thờ ở nhà hàng ngày, tôi không thể nào chịu nổi” - chị Ly bùi ngùi cho biết.

* Nguy cơ rình rập

Ngày 9-5 vừa qua, cô Lâm Thị Thu Trang, Giáo viên chủ nhiệm lớp 8/2 Trường THCS Trần Phú (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) và gần 40 học sinh của lớp đã vĩnh viễn không bao giờ gặp lại 2 học sinh của lớp là Nguyễn Thị Tuyết Trinh và Lầm Mỹ Hạnh. Cả Trinh và Hạnh đều có hoàn cảnh khá đặc biệt: em Trinh có cha mất sớm, phải cùng mẹ về ở với bà ngoại là Lê Thị Xuân (năm nay gần 70 tuổi) ở ấp Bể Bạc 1, xã Xuân Đông. Trong khi đó, cha mẹ em Hạnh đã ly hôn, em sống với mẹ ở bên ngoại cùng 2 đứa em. Cô Trang cho biết, sau buổi thi cuối năm, các em Trinh, Hạnh và một số bạn khác cùng lớp rủ nhau về nhà bạn ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) chơi, khi xuống hồ hái bông súng để chụp ảnh thì bị trượt chân nên Trinh, Hạnh, Trúc kéo nhau chìm xuống lòng hồ. Chỉ có em Trúc là may mắn thoát chết nhờ được bộ đội ở gần đó cứu sống.

Chị Trần Thị Mỹ Hương đứng trước quan tài con gái lớn Lầm Mỹ Hạnh thiệt mạng do đuối nước ngày 9-5 vừa qua. Ảnh: C. Nghĩa
Chị Trần Thị Mỹ Hương đứng trước quan tài con gái lớn Lầm Mỹ Hạnh thiệt mạng do đuối nước ngày 9-5 vừa qua. Ảnh: C. Nghĩa

Bà Huỳnh Thị Kim Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tâm, cho biết cách đây vài năm, trong xã thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước do có nhiều ao, hồ lớn. Năm 2011, xã xảy ra 1 vụ đuối nước làm 2 học sinh nữ ở ấp 4 là họ hàng với nhau thiệt mạng.  Năm nay, xã đã triển khai kế hoạch phòng chống đuối nước nhưng mới bắt đầu vào hè đã có 2 học sinh ở huyện khác đến chơi rồi bị chết đuối.

Phường Long Bình Tân là địa bàn thuộc TP.Biên Hòa nhưng hàng ngày vẫn có không ít học sinh phải đi bằng ghe hoặc tự chèo đò đến trường qua khúc sông Đồng Nai rộng gần 300m. Chỉ tính riêng làng cá bè Thái Hòa và cù lao Ba Xê hiện có trên 150 hộ với 600 nhân khẩu. Năm ngoái, một học sinh ở KP. Thái Hòa, là học lớp 7 (Trường THCS Long Bình Tân) bị thiệt mạng do đuối nước. Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết, bắt đầu vào hè là xã đã phải tăng cường tuyên truyền, cử công an xã đi kiểm tra việc trang bị phao, vật nổi cứu sinh của các ghe, đò. Tuy nhiên, xã rất lo lắng, bởi tai nạn đuối nước có thể ập đến bất cứ khi nào, nhất là khi ghe đò gặp dông gió lúc lưu thông...

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều