Qua 9 năm thực hiện, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Qua 9 năm thực hiện, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 50 ngàn gia đình hiếu học, 47 dòng họ hiếu học và 118 cộng đồng khuyến học. Nhiều gia đình, dòng họ hiếu học đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống để cho con cái được đến trường.
* Dồn sức cho việc học
Giờ đây, khi 11 người con đã có nghề nghiệp ổn định, ông Lê Sung ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) vẫn không thể nào quên được một thời cơ cực. Vợ mất sớm, một mình ông phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi con ăn học nhưng ông vẫn không nản, quyết tâm không để con thất học. Bằng sự nỗ lực, kiên trì của ông, 11 người con đều chuyên tâm học hành và tốt nghiệp cao học, đại học, cao đẳng, có nghề nghiệp đàng hoàng.
Ông Nguyễn Đức Thanh trao quà cho các cháu học giỏi trong dòng họ Nguyễn Đức. Ảnh: N. Thư |
Cùng với phong trào xây dựng gia đình hiếu học, việc xây dựng dòng họ hiếu học cũng đang phát triển ở khắp các xã, phường, thị trấn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, dồn sức chăm lo cho việc học hành của con cháu trong dòng tộc. Tiêu biểu như dòng họ Nguyễn Đức ở xã Bình An, huyện Long Thành. Ông Nguyễn Đức Thanh, đại diện dòng họ Nguyễn Đức, cho hay rời quê hương ở tỉnh Quảng Trị vào lập nghiệp tại Đồng Nai, 28 hộ gia đình trong họ chủ yếu làm công nhân cao su. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, các thành viên trong dòng họ đều ý thức được rằng, chỉ có học tập mới tạo dựng cho con cháu một sự nghiệp vững vàng. Từ đó, mọi người đều dồn sức chăm lo cho việc học hành của con cái. Mỗi năm dòng họ đã vận động xây dựng quỹ khuyến học được hơn 20 triệu đồng để tổ chức khen thưởng, động viên con cháu học tập, trong đó ưu tiên giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, trong dòng họ đã có 22/28 gia đình hiếu học và có 12 em học đại học, 9 em học cao đẳng. Hơn 30 năm xây dựng, con cháu trong dòng họ Nguyễn Đức đã học hành thành đạt, tạo thành truyền thống hiếu học của dòng tộc.
Dòng họ Mạch ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cũng là một dòng học tiêu biểu cho tinh thần hiếu học, vươn lên để thoát nghèo. Trong dòng họ có 12 gia đình, sống chủ yếu bằng nghề nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thấm thía sự cực khổ, các gia đình đã dốc sức chăm lo cho con cháu học hành. Mỗi năm các gia đình đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng quỹ khuyến học “tiếp sức” cho con cháu đến trường. Tính đến nay, trong dòng họ có 10 người đã học cao học và đại học, 4 người học cao đẳng...
* Phát triển phong trào rộng khắp
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cộng đồng khuyến học trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ tạo nên một phong trào thi đua khuyến học rộng khắp trong toàn tỉnh. Chi hội Khuyến học ấp Đại Thắng ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) là một ví dụ. Từ phong trào “nhà nhà đi học, người người đi học”, hàng năm, chi hội vận động các nhà hảo tâm và người dân nuôi heo đất tiết kiệm để xây dựng quỹ khuyến học từ 30-40 triệu đồng nhằm động viên, tuyên dương học sinh giỏi; tiếp sức sinh viên, hỗ trợ học sinh nghèo học tập. Chi hội đã thành lập Câu lạc bộ học sinh - sinh viên hiếu học với hơn 100 em tham gia nhằm trao đổi kinh nghiệm học tập, tư vấn thi tốt nghiệp, thi đại học và chọn nghề; động viên, khen thưởng những em có kết quả học tập tốt, hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, toàn ấp có 3 thạc sĩ, 64 em đã và đang học đại học và điều đáng mừng là không có em nào trong độ tuổi đi học phải nghỉ học giữa chừng.
Ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “ Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm và hỗ trợ thực hiện; Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt, phong trào phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân. Số gia đình, dòng họ, cộng đồng đăng ký phấn đấu và được công nhận tăng lên nhanh chóng; những điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều và đều khắp.” |
Hoạt động khuyến học của các hội đồng hương hiện cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Nhiều điển hình tốt đã được công nhận, biểu dương ở cơ sở, trong đó Chi hội Khuyến học Hội đồng hương Thanh Hóa ở huyện Vĩnh Cửu là một trong những điển hình tiên tiến. 178 hội viên của chi hội không chỉ chăm lo việc học của con cái mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Hàng năm, chi hội vận động các hội viên đóng góp hàng chục triệu đồng để khen thưởng các cháu đạt thành tích tốt trong học tập và giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, trong hội có 2 người có trình độ thạc sĩ, 12 người đã và đang học đại học, cao đẳng, 100% gia đình đạt danh hiệu văn hóa và nhiều gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học.
Ngọc Thư