Trong những ngày đầu tháng 5 này, khoa nhiễm của nhiều bệnh viện trong tỉnh trở nên quá tải bởi số lượng bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi đến khám và điều trị gia tăng đột biến.
Trong những ngày đầu tháng 5 này, khoa nhiễm của nhiều bệnh viện trong tỉnh trở nên quá tải bởi số lượng bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi đến khám và điều trị gia tăng đột biến.
Chỉ từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn đã gần bằng số ca mắc của cả 3 tháng đầu năm cộng lại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.100 ca TCM, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có một ca tử vong. Điều đáng nói, virus gây bệnh TCM đã có sự biến thể, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, tử vong nhanh.
* Quá tải bệnh nhân
Tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mỗi ngày có từ 30-35 ca phải điều trị nội trú, trong đó phần lớn là trẻ bị bệnh TCM. Theo chị Lê Thị Kim Quy, Điều dưỡng trưởng khoa nhiễm, từ giữa tháng 4 đến nay, số bệnh nhân TCM điều trị nội trú tăng khoảng 50% so với những tháng đầu năm. Phòng điều trị của khoa có 120 giường nhưng đã phải kê lên 150 giường mới có chỗ cho bệnh nhân nằm. Việc quá tải tại khoa nhiễm dẫn đến tình trạng đông đúc, chật chội, hôi hám vì lượng người tập trung quá đông. Còn ở Khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện cũng chật ních bệnh nhân có biến chứng do bệnh TCM và sốt xuất huyết (SXH). Ở đây đã phải kê lên tới 30 giường thay vì 20 giường theo chỉ tiêu.
Trẻ bị sốt xuất huyết biến chứng đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Bé Nguyễn Anh Huy, 3 tuổi, ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) bị bệnh TCM biến chứng, đang phải thở máy ở khoa hồi sức tích cực chống độc. Cha của bé, anh Nguyễn Anh Hùng cho hay: “Lúc cháu sốt, vợ tôi đưa cháu đến bác sĩ tư, họ cứ nói cháu bị sốt siêu vi. Sáng ngày 2-5, cháu sốt cao, co giật, người tím tái, bóng nước nổi lên, vợ chồng tôi sợ quá đưa cháu thẳng lên đây. Bác sĩ nói cháu bị TCM độ 3”. Theo bác sĩ Phó trưởng khoa Nguyễn Trọng Nghĩa, bệnh nhân được đưa đến kịp thời, không bị biến chứng nặng.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh ngày 4-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Nguy cơ bùng phát đại dịch H7N9 là rất lớn, bởi chủng cúm này đã có 2 trong 5 biến đổi gen cần thiết có thể lây từ người sang người. Hiện nay, tuy virus H7N9 chưa lây truyền từ người sang người, nhưng nếu virus biến đổi hoàn toàn thích nghi với con người thì nó có thể dẫn đến một đại dịch nghiêm trọng. Cùng với đó, một số trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1, H1N1 đã xảy ra tại một số tỉnh, thành, tạo nguy cơ cao về bùng phát cùng lúc nhiều loại dịch. |
Trong khi đó, tại một số bệnh viện đa khoa tuyến khu vực, như: khu vực Long Khánh, Định Quán, Long Thành, số ca nhập viện do bệnh TCM cũng tăng từ 5-10%. “Hiện nay, dù được tập huấn phác đồ điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế, nhưng bệnh viện cũng chỉ dám giữ lại điều trị bệnh nhân TCM ở độ 1, độ 2. Từ độ 3 trở lên đều phải chuyển tuyến vì bệnh viện thiếu những thiết bị chuyên dụng và thuốc đặc hiệu” - bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán cho biết.
* Chủ động phòng chống
Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, đây là giai đoạn nhạy cảm với nguy cơ bùng phát cùng lúc nhiều loại dịch cúm có liên quan đến nguồn lây nhiễm từ gia cầm.
Khoa nhiễm của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm. Ảnh: P. Liễu |
Tại buổi làm việc do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh tổ chức mới đây, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Ngành đã tăng cường hoạt động giám sát dịch tễ đối với chim yến và tiêm phòng trên đàn gia cầm, thủy cầm. Việc tiêm phòng ngừa cúm A/H3N5 đã xong từ tháng 3; cúm H5N1 vẫn còn 8 mẫu dương tính, tuy nhiên chưa đủ điều kiện gây dịch. Nửa đầu tháng 5 này, ngành sẽ triển khai xong việc tiêm phòng cho gia cầm tại các trang trại lớn và nửa sau tháng 5 sẽ triển khai trên những đàn nhỏ lẻ”.
Sở Y tế vừa tổ chức tập huấn công tác phòng chống cúm A/H7N9 cho cán bộ làm công tác điều trị tại các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân. Nội dung tập huấn bao gồm: hướng dẫn chẩn đoán điều trị cúm A/H7N9; hồi sức hô hấp, lọc máu trong điều trị; kiểm soát lây nhiễm cúm A/H7N9 trong các cơ sở khám, chữa bệnh; giám sát và phòng chống. Kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 trên địa bàn tỉnh cũng đã được phổ biến đến những người làm công tác điều trị. |
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cho rằng: “Hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Trong tình hình này, Ban chỉ đạo sẽ sớm hoàn thiện và triển khai kế hoạch phòng chống. Trong đó, tập trung vào các biện pháp giám sát dịch, tuyên truyền phòng chống dịch đến người dân và tỉnh cũng sẽ phải dành một khoản kinh phí lớn cho việc mua hóa chất Cloramin B, quần áo bảo hộ chống dịch và đặc biệt cần dự trữ một cơ số lớn thuốc Taminflu để sẵn sàng ứng phó khi có dịch”.
Phương Liễu