1. Thầy giáo dạy môn Lịch sử ở một trường THPT nói với giọng buồn buồn: “Xem clip hàng trăm học sinh xé đề cương Lịch sử vì không thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.Hồ Chí Minh thấy đau lòng quá!”.
1. Thầy giáo dạy môn Lịch sử ở một trường THPT nói với giọng buồn buồn: “Xem clip hàng trăm học sinh xé đề cương Lịch sử vì không thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.Hồ Chí Minh thấy đau lòng quá!”. Không riêng thầy, phần lớn giáo viên được hỏi cũng có tâm trạng như vậy. Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip này đã được nhiều người phản hồi trên trang mạng xã hội. Đoạn clip dài hơn 2 phút là hình ảnh hàng trăm học sinh hò hét, cười nói và xé đề cương Lịch sử ném từ trên tầng cao của trường xuống làm trắng cả sân trường. Clip được quay vào ngày 30-3-2013, tức là sau một ngày Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, không có môn Lịch sử.
2. Cách nay chưa đầy 2 năm, vào mùa tuyển sinh năm 2011, các trường đại học công bố điểm thi môn Sử, có rất nhiều trường trên 95% dưới trung bình, có trường chỉ duy nhất một bài đạt điểm 5, thậm chí nhiều bài 0 điểm, 1 trường chỉ đạt 0, 4% trên trung bình. Kết quả này làm cả xã hội lúc đó giật mình và ngành giáo dục đã phải nhanh chóng tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đi tìm nguyên nhân của vấn đề, những người có trách nhiệm cho rằng, trước hết là do chương trình, sách giáo khoa quá tải, có không ít kiến thức trùng lặp ở các cấp lớp, được biên soạn khô cứng, hàn lâm, nội dung quá dài dẫn đến những tiết học lịch sử hết sức khô khan, khó “nuốt”, không tạo được sự hứng thú học tập... Bên cạnh đó là, học sinh thường chú ý đến các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, còn các môn khác thì lơ là, chán học. Ít học sinh mặn mà với môn Sử. Sau đó, kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 có kết quả 97,63% học sinh tốt nghiệp, trong đó có thi Sử.
3. Thật là nguy hại khi học sinh quay lưng với Sử. Theo TS Sử học Nguyễn Văn Khoan - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì: “Không biết lịch sử dân tộc, không biết lịch sử đất nước mình thì tất yếu sẽ không biết được niềm tự hào đất nước, tự hào dân tộc là gì. Học Lịch sử là để học tinh thần yêu nước, mà tinh thần yêu nước là động lực quan trọng nhất để bảo vệ và xây dựng đất nước”. Áp lực thi cử nặng nề, căng thẳng khiến học sinh chán học, không thiết tha với môn Sử. Học sinh chỉ chú trọng tập trung đến môn thi tốt nghiệp, khi thông báo môn thi tốt nghiệp không có là học sinh buông. Và năm nay cũng vậy, việc học lệch lạc đó lại tiếp diễn.
Môn Sử hiện nay còn quá xem nhẹ khi các nhà quản lý giáo dục có năm cho thi tốt nghiệp, có năm thì không khiến học sinh thờ ơ. Đổi mới chương trình và đưa môn Sử vào môn thi bắt buộc để xã hội không còn đắng lòng vào mỗi mùa thi đến là việc làm cấp bách.
Hưng Nhân