Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu và thừa! (Bài 1)

10:04, 01/04/2013

Đến nay TP.Biên Hòa vẫn chưa có một nhà hát hiện đại, đủ tiêu chuẩn phục vụ các buổi biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao.

Đến nay TP.Biên Hòa vẫn chưa có một nhà hát hiện đại, đủ tiêu chuẩn phục vụ các buổi biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao.

Trong khi đó, nhiều rạp hát cũ dù nằm ở những vị trí hết sức đắc địa nhưng đã xuống cấp, bị bỏ hoang. Thực trạng ấy đã và đang tồn tại ở TP. Biên Hòa nhiều năm qua nhưng vẫn chưa  có một giải pháp khả thi nào được triển khai để người dân có cơ hội hưởng thụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở một nhà hát hay trung tâm tổ chức biểu diễn đúng nghĩa.

* Rạp hát cũ: Xuống cấp, bỏ không

Rạp Nam Hà cũ (ngay vòng xoay công viên Biên Hùng) vốn rất nổi tiếng, nay được giao cho Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa quản lý, khai thác. Nằm giữa trung tâm thành phố, sức chứa của rạp lên đến trên 1 ngàn người, sân khấu được thiết kế phù hợp với biểu diễn ca nhạc, kịch... nhưng suốt thời gian dài, trung tâm này thường cửa đóng then cài.

Rạp Nam Hà ngự ở vị trí rất đắc địa nhưng thường đóng cửa im ỉm.
Rạp Nam Hà ngự ở vị trí rất đắc địa nhưng thường đóng cửa im ỉm.

Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa Lôi Liên Minh cho biết, rạp Nam Hà đã được một đơn vị giám định khuyến cáo không nên tổ chức các buổi diễn vì  nó có thể sập bất cứ lúc nào. Ông Minh cho biết thêm, 1 năm đơn vị được giao chỉ tiêu tổ chức 6 - 7 sự kiện ở đây, với hiện trạng rạp như thế, chỉ còn cách biểu diễn phía ngoài rạp, chấp nhận mưa nắng, khán giả đông có khi phải đứng cả xuống lòng đường.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Trần Quang Toại:  Nâng cấp các rạp hát cũ rất tốn kém

 Các thiết chế văn hóa phục vụ riêng cho việc biểu diễn nghệ thuật của TP. Biên Hòa là khá nhiều nhưng khá cũ, lạc hậu, khó đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, việc có nên tiếp tục đầu tư nâng cấp cho các rạp này hay không còn phụ thuộc vào quy hoạch chung của tỉnh và TP.Biên Hòa. Hơn thế nữa, nếu đầu tư theo công nghệ hiện đại sẽ cần một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Nhà nước. Thực tế cũng đã có những doanh nghiệp tư nhân đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các rạp này để khai thác nhưng do không hiệu quả nên doanh nghiệp đành rút lui.

Ngành văn hóa cũng đã thấy được hiện trạng này và có những động thái thúc đẩy thành lập một trung tâm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để thường xuyên giới thiệu và biểu diễn các tác phẩm của các văn nghệ sĩ trong tỉnh, đồng thời mời gọi các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước tìm đến biểu diễn phục vụ người dân. Tuy nhiên, vấn đề này có vô số vấn đề phát sinh, như : quỹ đất, nguồn kinh phí, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa...

Rạp Biên Hòa (tên gọi cũ là Lido, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng) trước đây được sử dụng để chiếu phim. Sau nhiều lần chuyển giao  cho nhiều  đơn vị, đến nay rạp thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần du lịch Đồng Nai để thực hiện dự án mở rộng nâng cấp khách sạn Hòa Bình; và rạp Biên Hòa chính thức đóng cửa, bỏ không. Bên trong rạp Biên Hòa hiện được Khách sạn Hòa Bình tận dụng làm chỗ để xe máy khi có đám cưới.  

Ngoài hai rạp bỏ không kể trên, TP. Biên Hòa còn 2 rạp: Sông Phố, Thanh Bình vẫn duy trì hoạt động chiếu phim hàng tuần. Tuy nhiên, doanh thu ở những rạp này khá thất thường. Không có kinh phí đầu tư phim mới cho nên những nơi này rất khó có thể cạnh tranh với một số rạp tư nhân hiện đại. Để tăng doanh thu, các rạp này đã chọn cách cho một số đơn vị thuê một phần mặt bằng làm nơi kinh doanh hàng điện tử, sách giáo khoa…

* Chờ nhà hát xứng tầm

TP.Biên Hòa là đô thị loại II, có dân số gần 1 triệu người, điều này đồng nghĩa với nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong công chúng là rất  lớn. Trong khi thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũ bỏ hoang, thiết chế mới được xây dựng lại không phù hợp để tổ chức biểu diễn.

Trong rạp được tận dụng để… phơi đồ.
Trong rạp được tận dụng để… phơi đồ.

Ông Ngô Đức Tùng, Phó giám đốc Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh cho biết, hội trường trung tâm được thiết kế chỉ phù hợp với việc tổ chức các buổi hội nghị, tập huấn…Nếu phục vụ các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật quy mô thì không đảm bảo được chất lượng do sân khấu nhỏ, hệ thống âm thanh, ánh sáng không phù hợp. Mỗi lần tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, ban tổ chức đều phải thuê các thiết bị, như: âm thanh, dàn đèn chiếu sáng với chi phí cao. Nhiều khi thiết bị thuê về không “ăn khớp” với điều kiện sân khấu, hội trường, khiến cho chương trình biểu diễn giảm chất lượng. Cụ thể như tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc do Đồng Nai đăng cai tổ chức tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh mới đây, ngay trong đêm khai mạc đã xảy ra sự cố “mất âm thanh” do dàn âm thanh thuê có công suất quá tải hệ thống điện.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, tháng 7-2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phát triển quy hoạch phát triển ngành văn hóa - thông tin tỉnh đến năm 2010. Theo đó, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa được UBND TP.Biên Hòa giao nhiệm vụ và đã tiến hành khảo sát, lên quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho công trình nhà hát lớn, trung tâm chiếu phim và các công trình phụ trợ liên quan. Tổng quỹ đất để quy hoạch các công trình nói trên là gần 5 hécta, địa điểm dự kiến được xây dựng thuộc phường Thống Nhất. Ngoài ra, UBND TP.Biên Hòa còn giao cho Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường xác định địa điểm xây dựng một công trình khác là Trung tâm văn hóa tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các dự án này vẫn chưa được triển khai.

 Nhà hát cải lương của Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm 2010 với diện tích sân khấu trên 200m2, hệ thống âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… được đầu tư đồng bộ và khá hiện đại. Tuy nhiên, do vị trí hẻo lánh nên dù nhà hát này chỉ có 350 ghế ngồi dành cho khán giả nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được công chúng. “Chúng tôi đang chờ dự án tuyến đường bờ sông Đồng Nai phía trước mặt nhà hát được triển khai, bởi hiện nhà hát phải đón khách bằng cổng hậu từ con hẻm nhỏ hẹp phía sau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác công năng của nhà hát cũng như khả năng phục vụ khán giả của đoàn” - đạo diễn, NSND, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai Giang Mạnh Hà cho biết. 

Nhưng xem ra Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai còn may mắn hơn Đoàn ca múa  nhạc Đồng Nai nhiều bởi thiếu sân khấu biểu diễn đã đành, ngay đến sân tập luyện của các nghệ sĩ cũng phải tận dụng khoảng hành lang ngay trụ sở đoàn. Điều này góp phần lý giải vì sao hiện nay, khán giả của TP. Biên Hòa muốn xem một chương trình biểu diễn “cây nhà lá vườn” đã khó chứ chưa nói đến các chương trình biểu diễn của các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp trong cả nước.

Văn Chính

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều