Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động thiếu chuẩn

10:04, 10/04/2013

Lần đầu tiên một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sàn giao dịch việc làm và thông tin về thị trường lao động đã được tổ chức tại Đồng Nai vào sáng 9-4 với sự tham dự của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lần đầu tiên một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sàn giao dịch việc làm và thông tin về thị trường lao động đã được tổ chức tại Đồng Nai vào sáng 9-4 với sự tham dự của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại hội nghị, Đồng Nai đã chia sẻ các giải pháp chủ động nâng cao hiệu quả của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh trong thời gian qua.

* Tăng cường kết nối

“Để phục vụ kết nối cung - cầu lao động, thời gian tới các trung tâm giới thiệu việc làm trên toàn quốc cần kết nối thành mạng lưới bằng việc trao đổi thông tin qua mạng internet, trong đó Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) sẽ là đầu mối, làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động của doanh nghiệp (DN) và từng địa phương” - bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh đề xuất.

Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 58 ở Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai ngày 10-4. Ảnh: Công nghĩa
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 58 ở Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai ngày 10-4. Ảnh: Công nghĩa

Còn bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐ-TBXH) cho biết, để hỗ trợ người lao động và các địa phương, thời gian tới Cục Việc làm dự kiến tăng số lượng cán bộ hoạt động giới thiệu việc làm. Ước tính, cứ 10 ngàn người lao động sẽ có 1 cán bộ dịch vụ việc làm, đồng thời hình thành hệ thống cổng thông tin điện tử về việc làm quốc gia và 63 cổng thông tin điện tử giao dịch việc làm trực tuyến. Bộ cũng đề ra mục tiêu nâng số người tìm được việc làm qua trung tâm giới thiệu việc làm lên 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.

Thống kê của Cục Việc làm cho thấy, năm 2012, các trung tâm giới thiệu việc làm trong cả nước đã giới thiệu việc làm cho trên 509 ngàn lao động (cao hơn năm trước là 109 ngàn lao động). Số lao động đến trung tâm đăng ký tìm việc tăng từ 12-15%/năm. Số người được giới thiệu việc làm chiếm gần 70% tổng số người đăng ký tìm việc. Cùng thời gian trên, các trung tâm giới thiệu việc làm đã tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách lao động khác cho gần 2,58 triệu người, đồng thời tiếp nhận khoảng 1 triệu hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Từ năm 2006 đến nay, cả nước đã hình thành trên 44 sàn giao dịch việc làm. Các sàn giao dịch việc làm được tổ chức theo tuần, tháng hoặc quý. Trung bình mỗi phiên giao dịch thu hút từ 30-40 DN và khoảng 800 lao động tham gia.

* Lao động thiếu chuẩn

Bên cạnh những kết quả trên, Cục Việc làm cũng thừa nhận thực tế, tỷ lệ lao động cần tuyển dụng mà DN đặt hàng cho các trung tâm mới đáp ứng được khoảng 30%. Thậm chí có đơn hàng do DN đề nghị nhưng trung tâm giới thiệu việc làm không thể đáp ứng được vì không kiếm đâu ra lao động để cung ứng. Không ít trung tâm giới thiệu việc làm chỉ quan tâm đến hoạt động dạy nghề có thu mà không chú trọng đến hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động.

Cả nước hiện có 4 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ LĐ-TBXH đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu việc làm cấp vùng, gồm: Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai và Cần Thơ. Trung tâm giới thiệu việc làm tại Đồng Nai được coi là trung tâm cấp vùng thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, đồng thời là trung tâm được khánh thành đi vào hoạt động sớm nhất với kinh phí gần 150 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đến các tỉnh, thành đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sàn giao dịch việc làm và thảo luận những vấn đề trong công tác kết nối cung, cầu lao động. Sở LĐ-TBXH tỉnh Hải Dương nêu thực tế: Thị trường lao động tại tỉnh Hải Dương hiện đang mất cân bằng giữa cung và cầu, DN rất khó tuyển dụng lao động. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cơ cấu lao động bất hợp lý, tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ còn ít, phần lớn lại chưa qua đào tạo, hoặc đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngày một đông, dẫn tới dư thừa lao động có trình độ, trong khi DN cần tuyển công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề nhưng thị trường lao động không đáp ứng đủ.

Đại diện Sở LĐ-TBXH TP.Hồ Chí Minh cho rằng, do hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta chưa bắt nhịp với sự phát triển kinh tế nên chất lượng lao động còn hạn chế. Tình trạng DN không tuyển được lao động có tay nghề, trong khi có không ít người lao động rất khó khăn để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực vẫn diễn ra. Thực tế này cho thấy, không phải thiếu việc làm mà do người lao động thiếu chuẩn cho nhu cầu của xã hội.

Công Nghĩa

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tin đăng viec lam them tại Vieclam24h