Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay tìm nơi gửi trẻ

09:04, 22/04/2013

Toàn tỉnh hiện có trên 119 ngàn trẻ trong độ tuổi mầm non, nhưng mới chỉ có hơn 51 ngàn cháu được ra trường lớp, chiếm tỷ lệ gần 43%. Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này phải loay hoay tìm nơi gửi trẻ và không phải ai cũng may mắn tìm được một địa chỉ đáng tin cậy.

Toàn tỉnh hiện có trên 119 ngàn trẻ trong độ tuổi mầm non, nhưng mới chỉ có hơn 51 ngàn cháu được ra trường lớp, chiếm tỷ lệ gần 43%. Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này phải loay hoay tìm nơi gửi trẻ và không phải ai cũng may mắn tìm được một địa chỉ đáng tin cậy.

Khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam mới đây tại Đồng Nai cho thấy, nhu cầu gửi trẻ, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn là rất lớn. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 259 trường mầm non (cả công lập cộng tư thục) và 813 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Tình trạng trường lớp quá tải, xuống cấp xảy ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

* Thiếu đủ thứ

TP. Biên Hòa hiện  còn 2 phường đến nay chưa có trường mầm non công lập, là Long Bình và Thống Nhất. Phường Long Bình có diện tích đất bằng ¼ diện tích toàn thành phố với trên 86 ngàn dân. Số trẻ dưới 5 tuổi là 5.216 trẻ, trong đó có 3.448 trẻ dưới 36 tháng tuổi. Nhu cầu gửi trẻ ở đây càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết bởi toàn phường chỉ có 2 trường mầm non dân lập và 81 nhóm trẻ gia đình được quản lý.

Tình trạng quá tải tại Trường mầm non Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa). Ảnh: H. Dung
Tình trạng quá tải tại Trường mầm non Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa). Ảnh: H. Dung

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ Trường mầm non dân lập Ngọc Lan 2 (phường Long Bình), cho hay trường có 19 phòng với 40 giáo viên, nhân viên nuôi dạy 793 cháu từ 24 tháng đến 5 tuổi, phần lớn là con em công nhân lao động. Có nhiều trường hợp trẻ dưới 24 tháng tuổi đến gửi, chấp nhận học phí cao hơn nhưng trường không thể nhận vì trẻ dưới 24 tháng còn quá nhỏ, 1 giáo viên chỉ trông giữ được 8 -10 cháu. Trong khi đó, nếu trông trẻ từ 24 tháng trở lên đến 5 tuổi thì 1 giáo viên có thể phụ trách được nhiều cháu hơn.

“Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường công lập, tư thục không đủ mặt bằng, phòng giữ trẻ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích sinh hoạt; đồ dùng, đồ chơi còn hạn chế, nhà vệ sinh chưa đảm bảo, bàn ghế, bếp ăn không đúng quy cách, học cụ, đồ chơi cho trẻ không được đầu tư; đội ngũ giáo viên không đủ hoặc trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn là thực trạng chung trong giáo dục mầm non tại nhiều địa phương trong tỉnh, như các huyện:  Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa” - bà  Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD- ĐT) cho hay.

* Nan giải lối ra

Chị Phạm Thu Ngọc (ngụ phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) bày tỏ lo lắng: “Là công nhân tạm trú, con tôi (24 tháng tuổi) khó chen chân được vào các trường mầm non công lập. Các trường dân lập thì học phí cao, nên tôi đành gửi con cho một người trong dãy trọ trông giữ với chi phí 600 ngàn đồng/tháng. Dù vậy, việc trông coi của bà ấy không được liên tục nên ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm của vợ chồng tôi”.

Nhằm giải quyết cục bộ tình trạng bảo mẫu trông trẻ không có trình độ chuyên môn tại các gia đình, từ năm 2009 đến năm 2011, Sở GD- ĐT đã mở lớp đào tạo miễn phí nghiệp vụ ngắn hạn trong vòng 3 tháng tại Trường đại học Đồng Nai cho 600 bảo mẫu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên các lớp tiếp theo thì vẫn đang đợi.

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành trong cả nước được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn làm nơi thực hiện thí điểm đề án “Phát triển nhóm trẻ gia đình tại các khu công nghiệp” giai đoạn 2013-2017. Theo đó, Trung ương Hội sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn tỉnh. Sau đó, nếu nhóm trẻ nào đạt yêu cầu sẽ cấp phép hoạt động và hỗ trợ về cơ sở vật chất cũng như kinh phí phục vụ việc nuôi, dạy trẻ được tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc, phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục và phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi.

Để nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ gia đình trong tình trạng hiện nay, bà Chu Như Ý cho biết, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD- ĐT, các trường mầm non công lập các huyện, thị, thành có trách nhiệm giúp đỡ các nhóm trẻ gia đình; tổ chức họp chuyên môn định kỳ 1 tháng 1 lần để triển khai  những quy chế, quy định của Sở liên quan đến nuôi dạy trẻ mầm non; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm nuôi dạy trẻ giữa các giáo viên có chuyên môn và các bảo mẫu trên địa bàn.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng, thì việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân chưa được các khu công nghiệp, công ty, nhà đầu tư quan tâm đúng mức. Hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp, như: Changshin, Tập đoàn Phong Thái, Tổng công ty Tín Nghĩa… có xây dựng khu nhà ở, nhà trẻ cho công nhân và trẻ em. “Với nhu cầu gửi trẻ quá lớn như hiện nay, đã đến lúc Nhà nước cần có những quy định yêu cầu doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các xí nghiệp, nhà máy phải thành lập nhà trẻ, trường mầm non dành cho con em công nhân của đơn vị mình. Như vậy, công nhân vừa an tâm sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp, mà con cái họ lại được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận”- ông Hoàng nhấn mạnh.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều