Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo từ lòng yêu nghề

09:04, 27/04/2013

Hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp vào năm 2015, lực lượng lao động ở Đồng Nai đã và đang không ngừng sáng tạo trong công việc nhằm đạt hiệu quả một cách cao nhất.

Hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp vào năm 2015, lực lượng lao động ở Đồng Nai đã và đang không ngừng sáng tạo trong công việc nhằm đạt hiệu quả một cách cao nhất.

Thầy Trần Phúc Hòa, giáo viên Trường THPT Kiệm Tân (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) đã truyền cảm hứng toán học cho học trò bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng một cách sinh động, hấp dẫn.

* Những mô hình sáng tạo

 Theo thầy Hòa, phần mềm toán học Geogebra mà thầy đang ứng dụng giúp học sinh hình dung được mối liên hệ giữa biểu thức toán học với hình ảnh biểu thị, từ đó học sinh sẽ tư duy nhanh hơn, hiểu bài tốt hơn. Mỗi bài giảng được thiết kế như một bài tập, giáo viên có thể thay đổi con số hoặc ký hiệu toán học để ra các dạng bài tập tương tự, có hướng dẫn các bước giải cụ thể. Kết quả của bài tập được thể hiện dưới dạng là con số cụ thể và hình ảnh biểu đồ, có sự liên quan minh chứng cho nhau. Thầy Hòa cho biết, từ khi ứng dụng thêm phần mềm toán học Geogebra vào các bài giảng, học sinh đã cảm thấy có hứng thú với các con số hơn, so với dùng phấn trắng bảng đen theo cách dạy truyền thống.

Giáo viên Trường cao đẳng nghề số 8 hướng dẫn học viên dân tộc thiểu số Đồng Nai. Ảnh: C. NGHĨA
Giáo viên Trường cao đẳng nghề số 8 hướng dẫn học viên dân tộc thiểu số Đồng Nai. Ảnh: C. NGHĨA

Khi nói đến trẻ mầm non, ai cũng nghĩ rằng ở lứa tuổi này các em mới chỉ biết ăn, biết ngủ và biết nghịch ngợm một cách hồn nhiên, nhưng cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường mầm non An Bình (TX.Long Khánh), thì hoàn toàn không phải như vậy. Để kích thích khả năng khám phá khoa học của học sinh, ngoài dạy múa, hát, vẽ… hàng tuần cô Hân dành ra 3 buổi để hướng dẫn học sinh làm các thí nghiệm giản đơn, như: cho dầu vào nước, sau đó giải thích cho các em hiểu, vì sao dầu lại nổi trên nước, hay tại sao cho trứng gà vào nước muối thì nổi còn nước bình thường thì trứng gà chìm...   

Theo Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng, hàng năm Sở đều tổ chức các chương trình hội thi sáng tạo kỹ thuật, hội thi phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập…Trong các lần tổ chức, số sáng kiến, sáng tạo của lực lượng lao động là giáo viên ngành giáo dục bao giờ cũng chiếm con số áp đảo. Có những sáng kiến tuy rất đơn giản nhưng đem lại hiệu quả lớn, như sáng kiến bộ đồ dùng dạy học làm bằng nắp chai nhựa của cô Lê Yến Hương và Lê Thị Ngọc Hà (Trường mầm non Sơn Ca, huyện Cẩm Mỹ). Đặc biệt, có những giáo viên chế tạo ra được chiếc máy gieo hạt đậu, hạt bắp hay cải tạo máy chà lúa có tính ứng dụng rất cao.

* Làm giàu từ sáng kiến

Ông Trường Thanh Khoan (ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn) được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi của huyện Tân Phú. Ông Khoan hiện có trên 7 hécta đất trồng gần 20 ngàn cây dó bầu tạo trầm xuất khẩu, thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Chính ông Khoan đã sáng chế ra chất tạo trầm cho cây dó bầu thay vì phải đi mua, chất lượng cũng đảm bảo hơn. Mỗi ngày ông Khoan chế biến được 2kg trầm, giá trung bình khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Ngoài trồng cây dó bầu, ông Khoan còn trồng xen cây chôm chôm, sầu riêng, cam… Năm 2012 với việc tạo ra chế phẩm vi sinh kích thích cây dó tạo trầm, ông Khoan đã giành giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Khuyến khích sự sáng tạo của người lao động

5 năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập trong công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả rất lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Những sáng kiến, sáng tạo đó không chỉ thể hiện lòng yêu nghề, sự thông minh, cần cù mà còn thể hiện trách nhiệm của người lao động với sự phát triển của tỉnh. Do đó, các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương cần quan tâm khuyến khích tinh thần sáng tạo của người lao động trên địa bàn ngày một phát triển, nhân lên những mô hình mới hiệu quả.

Với mục đích giúp nông dân chuyên canh cây cà phê đạt sản lượng và chất lượng hạt thơm ngon, nhóm kỹ sư Trần Việt Cường công tác tại Trung tâm Khuyến nông huyện Cẩm Mỹ đã sáng tạo thành công phương pháp cấy ghép nêm cành cho cây cà phê già cỗi. Đây là phương pháp ghép được áp dụng để nhân giống vô tính cây cà phê trong vườn ươm. Giải pháp của nhóm kỹ sư Cường có nhiều ưu điểm, như: giảm 50% chi phí mua chồi ghép, không tốn tiền mua bao PE trùm chống thoát nước, che nắng, thao tác đơn giản, tỷ lệ cây sống trên 90%. Theo kỹ sư Cường, nông dân thường rất đau đầu với chi phí và thời gian “trẻ hóa” vườn cà phê của mình, vì phải mất ít nhất 3 năm không có thu mà chỉ có chi. Trong khi đó, phương pháp ghép nêm đã khắc phục được điều đó.

Anh Nguyễn Văn Khải, sinh viên khoa cơ điện của một trường đại học tại TP.Biên Hòa cùng nhóm bạn đã thiết kế thành công tuốc-bin phát điện chạy bằng sức gió, thay thế nguồn điện sinh hoạt truyền thống. Chiếc tuốc-bin gió này có tốc độ chạy tối đa 76 vòng/phút, đủ để thắp sáng hoặc sạc bình ắc-quy 12V-10Ah, phù hợp với hộ gia đình có nhu cầu tiêu thụ điện ở quy mô nhỏ hoặc những hộ sống ở vùng sâu, vùng xa, các khu vực biển đảo. Chi phí chế tạo một tuốc-bin gió khoảng 2,5 triệu đồng, nếu sản xuất đồng loạt thì chi phí sẽ thấp hơn. Anh Khải cho biết, anh và nhóm bạn của mình đang nghiên cứu chế tạo chiếc tuốc -bin gió phát điện có công suất phát điện lớn hơn nữa để phục vụ người dân.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều