Trong số hơn 8.200 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm 2013 của học sinh 15 trường THPT và các thí sinh tự do trong toàn tỉnh cho thấy: ngành kinh tế không còn là lựa chọn hàng đầu của đa số học sinh.
Trong số hơn 8.200 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm 2013 của học sinh 15 trường THPT và các thí sinh tự do trong toàn tỉnh cho thấy: ngành kinh tế không còn là lựa chọn hàng đầu của đa số học sinh.
Số hồ sơ chọn thi khối A vẫn chiếm 50% , tiếp đó là các khối B và D1. Hồ sơ thi khối A vào ngành kinh tế đã giảm từ 10- 15%.
* Tăng ngành công nghệ, khoa học - kỹ thuật
Cô Phạm Thị Vân, cán bộ tuyển sinh Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa) cho biết, từ những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng thiếu việc làm cho cử nhân ngành kinh tế, ngân hàng, quản trị kinh doanh khi ra trường trong năm 2012, nhà trường đã tổ chức tư vấn chọn trường cho học sinh rất kỹ. “Chúng tôi khuyến khích các em chọn những ngành, trường mà nhu cầu lao động trên địa bàn Đồng Nai cũng như trong cả nước đang cần. Kết quả, có tới 85% học sinh của trường chọn các ngành sư phạm (khối A), kỹ thuật, khoa học công nghệ và nông lâm. Số lượng học sinh thi vào ngành kinh tế, tài chính giảm mạnh” - cô Vân nói.
Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thống Nhất A đang tăng tốc ôn tập. Ảnh: Văn Chính |
Một số trường THPT khác, như: Văn Lang (huyện Trảng Bom), phổ thông dân tộc nội trú tỉnh (huyện Thống Nhất), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), Ngọc Lâm (huyện Tân Phú), không còn tình trạng học sinh chọn trường theo phong trào mà đã có sự cân nhắc so với học lực của mình. Có những em không nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học mà chỉ nộp vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Em Lưu Thị Thu Thảo, lớp 12A2 Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh bày tỏ: “Hầu hết các bạn trong khối 12 đều chọn ngành quản lý rừng, trồng trọt của Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh và khoa giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học Trường đại học Đồng Nai (những ngành có điểm trúng tuyển từ 15 - 17 điểm), bởi chúng em nghe thông tin sinh viên học kinh tế, ngân hàng, quản trị kinh doanh khó xin việc”.
Ở một số trường THPT tốp đầu, như: Lương Thế Vinh, Ngô Quyền, Long Khánh, Trấn Biên, học sinh dự thi đông vào ngành y dược, kinh tế luật, khoa học môi trường, sư phạm, ngoại thương. Số học sinh thi vào tài chính, ngân hàng đã giảm mạnh.
* Èo uột khối C
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD- ĐT) cho biết: “Qua việc tiếp nhận hồ sơ cho thấy, học sinh đăng ký hồ sơ ảo giảm mạnh, hồ sơ của thí sinh tự do cũng chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Nếu trước kia, mỗi em nộp từ 2-4 bộ hồ sơ thì năm nay các em chỉ nộp dao động từ 1-2 bộ. Có thể lý giải nguyên nhân này là do các em đã có sự cân nhắc kỹ khi chọn trường, mặt khác là do các nhà trường đã có sự tư vấn, hướng nghiệp sát thực tế. Tuy nhiên, số hồ sơ khối A vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong khi khối C rất lèo tèo. Mỗi trường chỉ có vài bộ, thậm chí có trường không có một bộ hồ sơ dự thi khối C nào”.
Theo kết quả thu nhận hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng tại Sở GD- ĐT đến hết ngày 12-4 cho thấy, trong tổng số 7.252 hồ sơ dự thi của 15 trường THPT trong tỉnh, chỉ có 279 hồ sơ dự thi khối C (chủ yếu là ngành báo chí, luật và sư phạm mầm non), chiếm 3,8%. Các trường có đông học sinh đăng ký dự thi nhất, gồm: đại học Đồng Nai, nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Lạc Hồng, công nghệ Đồng Nai và sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. |
“Từ nhiều năm nay, hồ sơ dự thi khối C của trường rất ít.Trong tổng số 684 hồ sơ của trường năm nay, chỉ có 20 hồ sơ dự thi ngành sư phạm khối C” - thầy Nguyễn Mạnh Tú, cán bộ tuyển sinh Trường THPT Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) cho hay.
Cô Lê Thị Ngọc Anh, Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) bày tỏ quan điểm: “Học sinh thi khối C ngày càng ít đi bởi số lượng sinh viên khối C ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm trái nghề vẫn chưa giảm. Học sinh bây giờ đã nhìn nhận thực tế hơn khi chọn các khối ngành liên quan đến kỹ thuật, điện hay trung cấp nghề. Bởi đặc thù một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai thì nhu cầu thợ lành nghề, có trình độ sẽ còn rất cao”.
Hạnh Dung