Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước vào đỉnh dịch

09:04, 07/04/2013

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vaccine và sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh) khuyến cáo: “Các dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang bắt đầu bước vào đỉnh dịch”.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vaccine và sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh) khuyến cáo: “Các dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang bắt đầu bước vào đỉnh dịch”.

Ghi nhận tại khoa nhiễm một số bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện cho thấy, số ca bệnh TCM, SXH cùng một số bệnh nhiễm khác đang trên đà gia tăng.

* Nguy cơ lớn

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Số lượt bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm liên quan đến thời tiết nắng nóng, như: tiêu chảy, hô hấp, SXH, TCM… tăng khoảng 10% và đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Hiện mỗi ngày có khoảng 2,5 ngàn lượt bệnh nhi khám ngoại trú tại bệnh viện”. Thông tin từ 3 bệnh viện đa khoa khu vực: Long Khánh, Long Thành và Định Quán cho thấy, số lượt bệnh nhân mắc bệnh SXH, TCM, sốt rét cũng tăng từ 5-7%.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu
Trẻ bị bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận được khoảng 1 ngàn ca mắc TCM, trong đó có 5 ca biến chứng. Tuy chưa có tử vong, nhưng những ca biến chứng có nhiều nguy cơ để lại thương tổn cho não của trẻ. Như vậy, so với quý I-2012, số mắc TCM trong quý I năm nay tăng khoảng 30%.

TP. Biên Hòa vẫn là địa bàn có số mắc TCM cao nhất với gần 300 ca, tiếp đó là Trảng Bom khoảng 100 ca, Tân Phú: 70 ca và Định Quán: 60 ca. Điều đáng lưu ý là một số huyện năm ngoái có số ca mắc thấp thì những tháng đầu của năm 2013, số mắc lại khá cao, như: Tân Phú và Định Quán.

Trong khi đó, bệnh SXH lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng trên 400 ca (giảm 33%). Số huyện có ca mắc giảm từ đầu năm đến nay là: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch và TX. Long Khánh. Riêng 2 huyện Trảng Bom và Tân Phú, số ca mắc SXH tăng so với cùng kỳ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 ổ dịch, nhiều nhất vẫn là TP.Biên Hòa với 9 ổ dịch. Theo bác sĩ Trần Minh Hòa, trước đây bệnh SXH chỉ xuất hiện vào mùa mưa, nhưng những năm gần đây, bệnh xuất hiện rải đều ở các tháng trong năm. Tuy nhiên, tháng 4 và 5, khi chính thức bước vào mùa mưa là thời điểm bệnh dịch phát triển mạnh.

* Diễn biến phức tạp

Tại hội nghị về phòng chống dịch bệnh năm 2013 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển nhận định,  so với SXH, thì TCM vẫn đang là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ hiện nay. Do nhiều chủng loại virus khác nhau gây ra nên bệnh có nguy cơ tử vong và biến chứng cao ở trẻ em. Qua theo dõi dịch bệnh những năm gần đây cho thấy, bệnh TCM tăng liên tục và không có chiều hướng giảm. Một số đặc điểm dịch tễ học nổi bật, các ca bệnh TCM tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi. Đây là nhóm trẻ mẫu giáo, mầm non thường xuyên tiếp xúc với các nhóm trẻ cùng lứa tuổi nên dễ lây bệnh.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ học, việc phòng bệnh phải bắt đầu từ mỗi gia đình, từ những người chăm sóc trực tiếp cho trẻ. Đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ cần vệ sinh răng, miệng, tay, chân trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu; thực hiện ăn chín, uống sôi. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu, như: sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân... cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm và giảm lây lan ra cộng đồng.

Thống kê tại Đồng Nai cho thấy, có đến 90% số trẻ mắc TCM, bệnh có biến chứng và tử vong những năm qua, phần lớn là trẻ dưới 3 tuổi. Do chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh thường diễn tiến nhanh và bất thường, có thể gây tử vong sớm do virus gây bệnh có độc lực cao chiếm đến 86%. Năm 2012, TP. Biên Hòa có một trường hợp khởi bệnh do nhiễm virus TCM type EV71 và tử vong chỉ sau 24 giờ nhập viện vì virus tấn công hệ thần kinh trung ương, gây suy hô hấp.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều