Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó trong công tác chống lao

09:03, 22/03/2013

Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh lao ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa. Tỷ lệ mắc lao ở lứa tuổi trẻ từ 19 - 25 nhiều hơn so với các quốc gia khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh lao ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa. Tỷ lệ mắc lao ở lứa tuổi trẻ từ 19 - 25 nhiều hơn so với các quốc gia khác.

Tại Đồng Nai, hiện số người mắc lao đang được quản lý và điều trị theo chương trình mục tiêu quốc gia tại các tuyến y tế là gần 5 ngàn ca. Tuy nhiên, mỗi năm có khoảng 20 ngàn lượt người được khám nghi ngờ mắc lao chuyển tuyến chuyên khoa, trong số này có hơn 3 ngàn ca phát hiện bị bệnh lao, 5% trong số này ở thể lao kháng thuốc. Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, có đến 70% số người mắc lao trên địa bàn ở độ tuổi từ 20-35.

Bác sĩ Bệnh viện phổi Đồng Nai thăm hỏi và điều trị cho bệnh nhân H.A.. Ảnh: P. Liễu
Bác sĩ Bệnh viện phổi Đồng Nai thăm hỏi và điều trị cho bệnh nhân H.A.. Ảnh: P. Liễu

Chị H.A., công nhân Công ty sợi T. (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) bị bệnh lao khi mới 27 tuổi. Vì lo mất việc và bị kỳ thị, sợ nghỉ làm đi khám bệnh sẽ mất tiền chuyên cần nên chị đã giấu bệnh. Đến khi bệnh được phát hiện thì chị ở tình trạng đã quá nặng với lao phổi, lao màng não, suy kiệt cơ thể, suy hô hấp, phải mở khí quản để thở máy.

Trong khi số ca mắc lao đang tăng lên đáng kể và có xu hướng trẻ hóa, thì đội ngũ những người làm công tác chống lao lại thiếu trầm trọng và đang già đi vì không có người thay thế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai cho hay: “Việc tuyển dụng bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở đã là khó, tuyển bác sĩ về “làm lao” còn khó hơn nhiều. Gần chục năm nay, bệnh viện chưa tuyển được bác sĩ mới, còn các tổ chống lao tuyến huyện cũng chưa có thêm bác sĩ nào. Trong 11 tổ chống lao tuyến huyện, chỉ tổ chống lao ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành có tổ trưởng là bác sĩ, còn lại là y sĩ, điều dưỡng đảm trách”.

Với nguồn nhân lực thiếu hụt như thế, tỷ lệ bác sĩ phụ trách công tác phòng chống lao trên địa bàn chỉ đạt hơn 1 bác sĩ/100.000 dân. Không những thế, hệ thống y tế tuyến huyện có tới 50% số cán bộ “làm lao” chưa qua đào tạo và số cán bộ này cũng đang già đi do không có người thay thế.

Tiếp cận bệnh nhân ngay từ tuyến đầu

Đồng Nai vừa tiếp nhận 2 chương trình mà mục đích chính là tiếp cận và quản lý bệnh nhân lao ngay từ tuyến cơ sở. Đó là chiến lược PAL của Tổ chức Y tế thế giới và Dự án phòng chống lao của Quỹ Phòng chống lao TB Reach, PSI Việt Nam.

Chiến lược PAL được triển khai tại Đồng Nai nhằm giải quyết vấn đề bệnh lao và các bệnh hô hấp thường gặp. Dự án phòng chống lao của TB Reach, PSI hướng tới huy động hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng chống lao thông qua việc cung cấp kỹ năng cho khoảng 90 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, nhằm thực hiện công tác sàng lọc, chẩn đoán và giới thiệu bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa công lập.

Một khó khăn khác, mức hỗ trợ cho cán bộ phòng chống lao tuyến cơ sở hiện rất thấp. Y sĩ Nguyễn Thế Hoan, cán bộ phụ trách công tác phòng chống lao tại Trạm y tế xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Khám phát hiện 1 nguồn lây, giới thiệu lên tuyến trên được 20 ngàn đồng/ca; quản lý bệnh nhân, cấp thuốc và giám sát bệnh nhân uống thuốc trong 8 tháng mới được 100 ngàn đồng; thăm bệnh nhân trong phạm vi địa bàn người/tháng/lần, 8 tháng lãnh được 80 ngàn đồng… Công việc vất vả, dễ bị lây nhiễm, chế độ trợ cấp… hẻo, đôi lúc cán bộ “làm lao” cũng kém mặn mà”.

Một trong những khó khăn khác mà theo các bác sĩ chuyên khoa còn nguy hiểm hơn nhiều đó là tình trạng không ít thầy thuốc dù không có chuyên môn điều trị lao nhưng vẫn nhận điều trị; thuốc lao vẫn có thể mua mọi lúc, mọi nơi và không cần toa. “Tình trạng này biến bệnh lao từ dễ chữa thành khó chữa, thậm chí có những trường hợp suýt mất mạng vì được điều trị với phác đồ… tự chế” - bác sĩ  Lương Văn Châu, Phó giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai nói.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều