Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là học sinh khối 12 các trường THPT trên địa bàn bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ GD-ĐT ban hành nhiều quy định mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng, tạo thêm thuận lợi cho không chỉ thí sinh dự thi mà các trường cũng phấn khởi.
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là học sinh khối 12 các trường THPT trên địa bàn bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ GD-ĐT ban hành nhiều quy định mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng, tạo thêm thuận lợi cho không chỉ thí sinh dự thi mà các trường cũng phấn khởi.
Em Nguyễn Thị Hoài Thương, học sinh lớp 12B7 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết, quy định mới về tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh nếu không đậu nguyện vọng 1 (nhưng tổng điểm vẫn bằng và trên điểm sàn) sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi. Điều này giúp thí sinh yên tâm hơn vì được rộng đường lựa chọn nguyện vọng 2 và 3.
* Hạn chế đăng ký “ảo”
Liên quan đến thông tin này, TS. Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, Bộ cũng quy định, năm nay thí sinh khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Quy định mới này sẽ hạn chế được được tình trạng thí sinh đăng ký “ảo”. Trước đây, các trường thường gặp khó khăn với quy định thí sinh chỉ cần nộp bản sao khi đăng ký xét tuyển, dẫn đến tình trạng đăng ký ào ạt nhưng sau đó không làm thủ tục nhập học gây khó khăn trong việc chốt danh sách xét tuyển.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội tư vấn nghề nghiệp do Báo Thanh niên tổ chức tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) mới đây. Ảnh: T. Thúy |
Năm nay, thời gian xét tuyển tại các trường cũng không kéo dài đến tận tháng 11 như năm trước, mà thời hạn chốt sau cùng là 30-10-2013. Thực tế cho thấy, việc kéo thời gian xét tuyển quá dài cũng không đảm bảo được quyền lợi cho thí sinh, không giúp được các trường “vét” đủ chỉ tiêu mà gây mệt mỏi cho cả hai phía vì sự chờ đợi. “Sau mỗi một mùa tuyển sinh, Bộ và các trường đều ngồi lại và rút kinh nghiệm để điều chỉnh với nhau, bàn bạc tìm phương án hài hòa, phù hợp với nhu cầu chung của xã hội. Vì thế, lần điều chỉnh này của Bộ GD-ĐT được hầu hết các trường ủng hộ” - ông Nam cho biết.
* Chỉ tiêu xét tuyển không giảm
Cũng trong năm nay, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên công bố điều chỉnh trong định hướng đào tạo chung, theo đó sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành kinh tế và sư phạm nhằm tránh tình trạng “khủng hoảng thừa” nhân lực 2 ngành trên trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Lo ngại về quy định liên thông Năm nay, Bộ GD-ĐT có quy định mới về thi liên thông đại học, cao đẳng. Theo đó, thí sinh muốn tham dự kỳ thi liên thông do trường tổ chức phải có thời gian tốt nghiệp từ 36 tháng trở lên, nếu không, phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chung trong cả nước. “Quy định này có phần gây trở ngại, vì rõ ràng nếu thí sinh đủ lực tham dự kỳ thi chung cả nước thì đã không chọn “đường vòng” là liên thông. Vẫn biết quy định này nhằm nâng cao chất lượng loại hình đào tạo liên thông, nhưng nếu chỉ dựa vào kiến thức văn hóa để nâng cao chất lượng thì chưa đầy đủ và công bằng, vì thí sinh thi liên thông có trình độ về tay nghề hơn hẳn. Ở Đồng Nai, từ trước đến nay đối tượng học liên thông phần lớn là lao động ngoại tỉnh, đi học để nâng cao trình độ và tìm cơ hội phát triển, nay Bộ có quy định mới, cơ hội này với các em sẽ trở nên xa hơn” - TS. Nguyễn Văn Nam lo ngại. |
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.800 sinh viên (tăng 300 chỉ tiêu so với năm trước). Ngoài 23 ngành đào tạo trước đây, năm nay trường có thêm ngành đào tạo mới là dược sĩ đại học. Định hướng của trường cũng sẽ tăng tỷ lệ đào tạo khối ngành công nghệ, kỹ thuật, tuy nhiên tùy thuộc lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, trường sẽ linh động điều chỉnh cho phù hợp. “Trường không chỉ đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh mà cho cả khu vực. Hơn nữa, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp năng động và phát triển, nhu cầu nhân lực về khối kinh tế chưa thể giảm ngay, vì thế sự điều chỉnh nếu có cũng từ từ và theo lộ trình. Trong đó, định hướng của trường là nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, không phải đào tạo lại” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ở Trường đại học Đồng Nai, quyền Hiệu trưởng Trần Minh Hùng cho biết, việc Bộ điều chỉnh giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm có thể chỉ áp dụng với các trường mở thêm mã ngành sư phạm. Với các trường đã có bề dày đào tạo thì chỉ tiêu cũng không có gì thay đổi. Năm nay, chỉ tiêu của trường vẫn là 2.200 sinh viên (đại học và cao đẳng), tuy nhiên chỉ tiêu của từng ngành học có thể sẽ điều chỉnh tùy thuộc vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển. “Hàng năm, nhà trường đều có khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực từ các phòng GD-ĐT trên địa bàn để từ đó định hướng trong đào tạo nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời mà vẫn hạn chế được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự phối hợp đồng bộ với địa phương để tránh lãng phí trong đào tạo nguồn nhân lực” - ông Hùng đề nghị.
Lịch thi đại học, cao đẳng năm 2013 - Đợt 1: Ngày 4 và 5-7, thi đại học khối A, A1 và V (Khối V sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11-7). - Đợt 2: Ngày 9 và 10-7, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Khối năng khiếu sau khi dự thi các môn văn hóa (Khối H, N thi môn Ngữ văn theo đề thi khối C, khối M thi Ngữ văn, Toán theo đề thi khối D, khối T thi môn Sinh, Toán theo đề thi khối B, khối R thi Ngữ văn, Sử theo đề thi khối C) thi tiếp các môn năng khiếu cho đến hết ngày 13-7. - Đợt 3: Ngày 15 và16-7, thi cao đẳng tất cả các khối thi. |
Hà Lam